Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 13 – 15/6/2024 ở Apulia, Italy, các lãnh đạo G7 đã đưa ra một cáo buộc về các hành vi thương mại không công bằng của Nga trong ngành thủy sản. Tuyên bố này bao gồm các chủ đề về việc thúc đẩy quan hệ đối tác tại các quốc gia châu Phi với cam kết hỗ trợ Ukraine, trong đó bao gồm một phần chỉ trích hoạt động khai thác thủy sản của Nga.
Trong cuộc họp, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan nhấn mạnh, “Chúng tôi lo ngại về các hành vi thương mại không bền vững và không công bằng của Nga trong ngành thủy sản, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Mỹ ban hành các dự luật ngừng nhập khẩu hải sản của Nga vào năm 2022. Dự luật này sau đó được mở rộng để bao gồm các mặt hàng hải sản có nguồn gốc từ Nga được chế biến tại các quốc gia thứ ba”.
“Tuyên bố của G7 là một bước quan trọng hướng tới việc các đồng minh của Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với nhập khẩu hải sản của Nga, trong bối cảnh các hành vi thương mại không công bằng của Nga và cuộc chiến với Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga đang tiến hành một “cuộc chiến giá cả toàn diện”, áp đảo sinh kế ngư dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản Mỹ. Họ sử dụng các phương pháp đánh bắt không bền vững một cách liều lĩnh, giữ giá thấp đủ lâu để buộc ngư dân và các doanh nghiệp chế biến Mỹ phải tuyên bố phá sản,” ông Sullivan cho biết thêm.
Tuyên bố của G7 được đưa ra ngay sau khi Nga thực hiện thay đổi quy định nhằm hợp lý hóa các nỗ lực đánh bắt thủy sản ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia này. Theo Cơ quan Thủy sản Liên bang Nga (Rosrybolovstvo), quy định này sẽ cho phép các tàu đánh cá đánh bắt cá ở vùng biển quốc tế mà không cần chờ đợi hay tuân theo quyết định của các cơ quan hoặc tổ chức liên quốc gia liên quan đến việc quản lý và điều hành hoạt động đánh bắt thủy sản. Đồng thời, Nga có thẩm quyền thiết lập tổng sản lượng đánh bắt cho phép ở những khu vực được đề cập trong quy định mới.
Lan Khuê (Theo Seafoodsource)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn