Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vừa có văn bản gửi Sở NN&PTNT một số tỉnh và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu về việc EU chấp thuận bổ sung đối tượng, vùng nuôi thủy sản vào chương trình giám sát dư lượng 2024.
Theo đó, để đáp ứng quy định của EU, cũng như chuẩn bị tốt cho đợt thanh tra sắp tới của EU về dư lượng trong thủy sản nuôi, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang chỉ đạo các Cơ quan giám sát trong chương trình tại địa phương: Đảm bảo nguồn lực và triển khai đầy đủ Kế hoạch lấy mẫu giám sát đối với các đối tượng thủy sản nuôi, vùng nuôi mà các địa phương đã đề xuất và được Cơ quan thẩm quyền EU chấp thuận bổ sung theo hướng dẫn của Cục tại công văn số 1155/CCPT-GSĐG ngày 19/6/2024.
EU yêu cầu giám sát dư lượng đối với nhiều loại thủy sản nuôi xuất khẩu sang thị trường này. Ảnh minh họa
Cụ thể, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (vùng nuôi huyện Lộc An với đối tượng tôm sú, sản lượng 600 tấn – tính từ tháng 7 đến hết năm 2024); Tỉnh Hậu Giang (lươn nuôi tại huyện Phụng Hiệp và Vị Thủy, tổng diện tích 12 ha, sản lượng 2.000 tấn); Tỉnh An Giang, đối tượng nuôi là cá nheo và cá rô phi tại chuyện Châu Đốc với diện tích lần lượng 3 ha và 8 ha, sản lượng 200 tấn (cá nheo) và 640 tấn (cá rô phi); Tỉnh Cà Mau, 2 đối tượng cần giám sát là tôm bạc thẻ và tôm chì tại hai huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, tổng diện tích 56 ha, sản lượng là 800 tấn (tôm bạc thẻ) và 750 tấn (tôm chì); Tỉnh Kiên Giang giám sát tôm sú nuôi tại huyện Kiên Lương với diện tích 150 ha, sản lượng 1.100 tấn.
Cùng đó, Sở NN&PTNT các địa phương cũng thông báo và yêu cầu các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sang EU trên địa bàn sử dụng nguyên liệu từ khu vực bổ sung này cập nhật chương trình HACCP và thực hiện giám sát đầy đủ chỉ tiêu theo hướng dẫn của Cục. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nuôi vào EU.
Với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sang EU, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị sử dụng nguyên liệu là đối tượng thủy sản nuôi được Cơ quan thẩm quyền EU chấp thuận bổ sung nêu trên cập nhật Chương trình quản lý chất lượng theo HACCP; lập kế hoạch và thực hiện giám sát đầy đủ các chỉ tiêu tương ứng nêu tại Mục 2 Phụ lục gửi kèm theo hướng dẫn của Cục đã nêu tại công văn số 1155/CCPT-GSĐG ngày 19/6/2024. Đồng thời, chỉ thu mua các đối tượng thủy sản nuôi bổ sung được Cơ quan thẩm quyền EU chấp thuận từ vùng nuôi được Chi cục Nam bộ thông báo phạm vi, kết quả giám sát dư lượng theo quy định tại Thông tư 31. Lưu ý không thu mua, chế biến và xuất khẩu vào EU đối với thủy nuôi có nguồn gốc từ cơ sở có mẫu bị phát hiện vi phạm hóa chất, kháng sinh theo các thông báo cụ thể của Chi cục Nam bộ.
Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khu vực Nam bộ Thông báo kết quả giám sát dư lượng đối với các đối tượng thủy sản nuôi vùng nuôi được EU chấp thuận bổ sung hàng tháng và xử lý đối với các trường hợp mẫu vượt mức giới hạn tối đa cho phép theo quy định tại Thông tư 31 và Sổ tay hướng dẫn thiết lập và thực hiện Chương trình giám sát dư lượng.
Các Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng – Rà soát bảo đảm lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU sử dụng nguyên liệu là đối tượng thủy sản nuôi được bổ sung đáp ứng các yêu cầu nêu tại Mục 1,2,3 công văn này trong quá trình thẩm định, chứng nhận theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013, Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 và Chương trình kiểm soát An toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Liên minh Châu âu theo Quyết định số 5523/QĐBNN-CCPT ngày 21/12/2023 của Bộ NN&PTNT.
Bảo Hân
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn