Ecuador: Tìm cách ngừng chuyển đổi môi trường sống sang nuôi tôm

0

Đại diện của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Ecuador (WWF-Ecuador) và Cơ quan Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia (CNA) của nước này đã ký một thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn việc chuyển đổi môi trường sống tự nhiên sang nuôi tôm.

Thỏa thuận này đánh dấu cam kết Ecuador là quốc gia đầu tiên về nuôi trồng thủy sản không chuyển đổi trên thế giới. Theo thỏa thuận này, Clark Labs có trụ sở tại Worcester, Massachusetts (Mỹ) sẽ tạo dữ liệu không gian địa lý cho WWF-Ecuador và CNA cùng phân tích và phân loại độ che phủ đất ở các vùng ven biển – nơi nuôi tôm phổ biến nhất. CNA sau đó có thể sử dụng dữ liệu để nghiên cứu và thiết lập đường cơ sở dựa trên bằng chứng khoa học, lặp lại phân tích hàng năm với mục tiêu giảm thiểu và cuối cùng chấm dứt việc chuyển đổi đất tự nhiên sang nuôi tôm.

Ao nuôi tôm tại Ecuador. Ảnh: Medium

Ecuador có những khu rừng ngập mặn lớn, tuy nhiên nhu cầu về tôm trên toàn thế giới đang tăng cao và hoạt động nuôi trồng thủy sản theo đó gia tăng đã gây áp lực lên môi trường sống ven biển và các khu vực đất ngập nước, WWF cho biết.

Xuất khẩu tôm của Ecuador đã vượt xuất khẩu chuối lần đầu tiên trong năm 2017, trị giá hơn 2,5 tỷ USD. Theo số liệu hàng năm mới nhất từ ​​CNA, đến năm 2021, con số này đã tăng gấp đôi, đạt 5,08 tỷ USD, vượt xa kỷ lục hàng năm trước đó được thiết lập vào năm 2020 là 3,6 tỷ USD. Nước này cũng phá kỷ lục sản lượng vào năm 2021, sản xuất 1,86 tỷ pound tôm, tăng 24% so với kỷ lục trước đó năm 2020 là 1,49 tỷ pound. Trước sự mở rộng nhanh chóng này, CNA và WWF đã nhận thấy cần phải đảm bảo sự phát triển bền vững.

“Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách chúng ta sản xuất các mặt hàng như tôm, theo hướng thân thiện hơn với môi trường, đặc biệt tôn trọng rừng ngập mặn và không góp phần làm suy thoái chúng. Một khu vực lớn của ngành nuôi tôm hiện đang cam kết hướng tới sản xuất bền vững hơn và WWF sẽ ở đây để hỗ trợ”, Giám đốc Quốc gia WWF-Ecuador Tarsicio Granizo cho biết, đồng thời ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên của quốc gia còn nguyên vẹn.

CNA đã làm việc trong nhiều năm để thiết lập tính bền vững và đáng tin cậy cho ngành tôm nuôi Ecuador. Dự án chính thức đầu tiên của CNA, được bắt đầu cách đây 5 năm, là Quan hệ Đối tác Tôm Bền vững (SSP). Tổ chức hoạt động trên toàn cầu, nhưng cho đến nay, các trang trại nhận được chứng nhận bền vững từ chương trình này mới có ở Ecuador.

Chủ tịch điều hành CNA Jose Antonio Camposano cho biết: “Ngành tôm Ecuador là một ngành quan tâm đến môi trường và bảo vệ các hệ sinh thái xung quanh. Thỏa thuận này sẽ cho phép chúng tôi tăng cường hơn nữa cam kết của ngành đối với việc bảo tồn các hệ sinh thái có giá trị như rừng ngập mặn, và là một ví dụ điển hình cho các ngành công nghiệp khác ở Ecuador và trên toàn thế giới”.

Tuệ Nhi (Theo Seafoodsource)

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.