Đồng Tháp: Xây phòng “ru” ốc ngủ cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm

0

Chỉ vỏn vẹn 20m2 để xây phòng “ru” ốc ngủ, vợ chồng anh Lê Hồng Lâm (39 tuổi, ngụ phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp) có thu nhập trên 1 tỉ đồng mỗi năm.

Mô phỏng môi trường tự nhiên nuôi ốc

Ðến tham quan cơ sở sản xuất ốc gác bếp theo hướng công nghiệp của anh Lâm khiến ai cũng ấn tượng bởi sự am hiểu của anh về tập tính loài ốc, cũng tận mục sở thị ốc ngủ trên cạn số lượng lớn. Ðang bận bịu để đưa ốc vào phòng “ru”ngủ, anh Lâm cho biết, diện tích căn phòng chỉ hơn 20m2, phía trong được anh tự chế máy điều tiết nhiệt độ trong phòng luôn giữ mức trên 37 độ C, tạo môi trường khắc nghiệt như môi trường tự nhiên cho ốc rơi vào trạng thái ngủ. Vừa sắp xếp từng con ốc vào nằm trên những đống rơm khô trong phòng, anh Lâm tiết lộ, ốc khi ở môi trường sống bên ngoài tự nhiên, vào mùa khô ốc thường chui rúc dưới sình lầy ngủ 6 tháng, như trạng thái ngủ đông. Khi mưa xuống, nước dâng lên khiến đất mềm ra, ốc chui lên để sinh sản, kiếm ăn và thúc đẩy quá trình tăng trọng lượng cơ thể, tích trữ dinh dưỡng bù lại những tháng ngủ.

ru ngủ ốc

Anh Lâm đem ốc được xử lý cho vào ngủ trong phòng.

Từ tập tính đó, anh nảy sinh ý tưởng làm phòng ngủ để vỗ béo ốc. Tạo ra những sản phẩm ốc gác bếp theo mô hình công nghiệp đầy mới mẻ. Bản thân anh Lâm quê gốc Tiền Giang, học chuyên ngành Hóa, Trường Ðại học Cần Thơ. Sau đó anh lập gia đình cùng vợ quê ở Ðồng Tháp và công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Ðồng Tháp. Năm 2017, trong một lần tình cờ anh Lâm đi An Giang mua một túi ốc lác ven đường. Sau khi về nhà lại quên buộc miệng túi, ốc bò khắp nhà, trốn góc bếp. Năm 2018, trong lúc dọn dẹp phát hiện những con ốc còn sống sau thời gian ngủ suốt 1 năm trời, bò ra giữa nhà. Thấy vỏ ốc đổi màu trắng hơn, ốc mập mạp khiến anh tò mò. Sau đó, anh đem luộc để ăn thử nghiệm, thấy vị rất ngon, béo, sạch. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng làm ốc gác bếp với quy mô công nghiệp, bởi biết được đặc tính đặc biệt của loài ốc. “Nhớ lại kỷ niệm về ốc gác bếp nơi giàn bếp của bà, của mẹ. Bồi hồi lắm, rồi tự nghĩ tại sao không làm, tạo thương hiệu cho loại đặc sản quê nhà đến với mọi người, thế là làm thôi”, anh Lâm chia sẻ.

Theo anh Lâm, việc làm ốc gác bếp kiểu truyền thống hay theo quy mô công nghiệp điều kiện tiên quyết đều cần độ ẩm và nhiệt độ, kiểm soát được côn trùng gây hại cho ốc… “Cách làm truyền thống tận dụng khói bếp xua đuổi côn trùng, giữ ốc sống lâu. Tuy nhiên, với cách làm hiện đại thì mình không làm vậy, nhưng sẽ tạo điều kiện môi trường tương tự vậy để đảm bảo con ốc vẫn sống, mập, không bị hôi khói để đưa vào thương mại và sản xuất với quy mô công nghiệp”, anh Lâm tâm huyết.

Thời điểm khởi đầu, anh Lâm gặp rất nhiều khó khăn để ốc ngủ, anh thực hiện nhiều thử nghiệm khác nhau để tạo môi trường giả như Vùi ốc dưới sình để ốc ngủ, rồi đến vùi vào tro trấu… Tuy nhiên, kết quả đều thất bại bởi dù ốc ngủ nhưng ốc không đạt chuẩn sạch và sản xuất số lượng lớn không khả thi. “Ðể đất khô cho ốc vùi trong đó, tuy đất hút ẩm tốt, ốc có thể ngủ nhưng nhược điểm làm dơ ốc, khó vệ sinh, khi rửa ốc sẽ tỉnh lại. Thấy vậy tôi chuyển sang cho ngủ trong tro trấu, vẫn dơ. Cuối cùng tôi mới để trên sàn trùm bao bố nhưng cũng không thành công phải đổ bỏ cả tấn ốc”, anh Lâm kể. Mãi đến năm 2021, anh Lâm mới tìm ra phương pháp tối ưu nhất để cho ốc ngủ, bằng việc xây phòng kín, phía dưới lót rơm, tự lắp ráp máy điều tiết nhiệt độ, phòng ngủ cho ốc luôn được duy trì ở mức trên 35-37 độ C và độ ẩm thích hợp.

Mong muốn đưa ốc bay xa

Dù hoàn thành quy trình sản xuất công nghiệp, nhưng anh Lâm vẫn khó kiểm soát tỷ lệ ốc chết vì phụ thuộc nguyên liệu đầu vào. Ốc hư vỏ, phơi nắng, dập mình, bị côn trùng ký sinh… đều có thể chết trong thời gian cho ốc ngủ. Thông thường, tỷ lệ hao hụt sẽ dao động từ 30-40% .

Trước khi đưa vào phòng ngủ, ốc được rửa sạch, chọn con khỏe mạnh, ngâm nước khoảng 10 giờ để ốc thải chất bẩn. Trong 1 tuần trong phòng ngủ, cần lọc ra số ốc chết, tránh lây lan sang con khỏe. Khi mang ra khỏi phòng, sẽ được chuyển sang phòng chờ mất thêm 3 tháng để chúng ổn định, chuyển hóa năng lượng tích trữ, nuôi thân, vỏ. Sản phẩm đạt chất lượng khi thịt ốc trắng, vỏ mỏng, béo tròn. “Phải làm cho ốc ngủ, bởi không ngủ ốc sẽ ốm, chết. Do khi dưới nước ốc tiết ra dịch cơ thể giúp tránh vi khuẩn, nhưng khi ở trên cạn ốc khi há miệng dễ bị ruồi nhặng bu đẻ trứng, khi ốc chết vi khuẩn phát triển sẽ tấn công ốc kế bên, gây chết hàng loạt”, anh Lâm cho biết.

Trước khi chế biến món ăn, ốc gác bếp được ngâm qua sữa tươi, nước cốt dừa, trứng hoặc tùy khẩu vị mỗi người. Do thiếu nước nhiều tháng, lúc này ốc lập tức hút nhiều nước vào cơ thể nên thịt ốc hòa quyện cùng hỗn hợp nước thơm, ngon hơn. Mỗi tháng anh xuất bán trên 2 tấn ốc, giá bán 250.000 đồng/kg, cho thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm. Ðể xây dựng thương hiệu cho món ốc gác bếp, anh Lâm dùng các vật dụng thân thiện với môi trường như giỏ tre, rơm được đặt mua tại cơ sở làm thủ công ở tận Sóc Trăng.

Hiện nay, để ốc đạt chuẩn có thể xuất khẩu, anh đang nghiên cứu để đa dạng sản phẩm bằng cách cho ốc đã ngủ ngâm qua các dưỡng chất từ thiên nhiên sau đó tiếp tục cho chúng ngủ lần hai. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể chế biến ốc ngay không phải chờ vài giờ ngâm ốc và có thể xuất bán sang thị trường nước ngoài.

Bài, ảnh: Nguyễn Trinh

Nguồn: Báo Cần Thơ

Leave A Reply

Your email address will not be published.