Đồng Tháp: Sản xuất thủy sản tương đối ổn định

0

Trong tháng 7/2024, tình hình sản xuất và tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tương đối ổn định. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, người nuôi đều có lợi nhuận.

Đồng Tháp là vùng sản xuất cá tra trọng điểm với sản lượng lớn nhất khu vực ĐBSCL. Ước tính 7 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi thả thủy sản đạt 4.778 ha, sản lượng thu hoạch đạt 307.336 tấn. Trong đó, diện tích nuôi thả cá tra thâm canh đạt 2.042 ha, sản lượng thu hoạch đạt 252.670 tấn. Cụ thể, sản lượng nuôi trồng đạt 303.047 tấn, tăng 3,23% hay tăng 9.480 tấn so cùng kỳ; trong đó sản lượng cá là 295.675 tấn, tăng 3,15% (tăng 9.022 tấn); sản lượng tôm 716 tấn, giảm 0,72% (giảm 5,22 tấn); sản lượng thủy sản khác 6.657 tấn, tăng 7,49% (tăng 463,68 tấn) so cùng kỳ.

ao nuôi cá Đồng Tháp

Đồng Tháp là vùng sản xuất cá tra trọng điểm với sản lượng lớn nhất khu vực ĐBSCL. Ảnh: Hữu Tuấn

Giá thành sản xuất cá tra thịt trắng trung bình 26.504 đồng/kg (giảm 548 đồng/kg so cùng kỳ), người nuôi lời khoảng 107,8 triệu đồng/ha. Trong tháng 7, giá bán cá tra giảm so tháng trước do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn vì chi phí vận chuyển hàng hóa tăng (các phương tiện vận chuyển phải đi đường vòng nên quãng đường xa hơn) và thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm. Đối với cá tra giống, giá tiếp tục giảm do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu thả nuôi chưa nhiều. Các loại thủy sản khác giá bán tương đối ổn định…

Giá cá tra thương phẩm xuất khẩu và giá một số loài thủy sản thương phẩm khác vẫn ổn định so tháng trước. Cụ thể: Giá cá tra nguyên liệu dao động 26.200 – 26.600 đồng/kg, tôm thương phẩm loại 1 giá dao động từ 160.000 – 180.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 37.000 – 40.000 đồng/kg, ếch 34.000 – 38.000 đồng/kg, lươn 95.000 – 105.000 đồng/kg, cá điêu hồng 43.000 – 45.000 đồng/kg, cá rô 34.000 – 37.000 đồng/kg.

Mặc dù thời tiết đang vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát tán và lây lan, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển nuôi trồng thủy sản; các loại thủy sản giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh có sẵn trong nước như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh. Trên cá tra các bệnh xuất huyết, gan thận mủ… dễ lây lan và phát triển mạnh trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, người nuôi có lợi nhuận

Theo dự báo của các ngành chức năng, các tháng còn lại của năm 2024, thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam tuy vẫn khó khăn nhưng tình hình tiêu thụ sẽ khả quan hơn vì lạm phát giảm, nguồn dự trữ thấp. Tuy vậy, vẫn cần có sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người nuôi để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, củng cố thị trường tiêu thụ; tăng cường khâu xúc tiến thương mại, khai thác thêm các thị trường mới, mở rộng thị trường trong nước nhằm thay thế một phần cho mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, các thực phẩm hiện có giá bán tăng cao.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển ngành hàng cá tra theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dựa trên việc áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý; thực hiện thường xuyên công tác quan trắc môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản; theo dõi sát tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, thông tin thị trường; thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường, môi trường nuôi… Đồng thời, thực hiện đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra điều kiện các cơ sở sản xuất giống, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra…

Thanh Hiếu

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.