Dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây, đoàn Thanh tra của EC sẽ sang thanh tra lần thứ 5 về công tác chống khai thác thủy sản IUU của Việt Nam. Các cấp bộ ngành từ Trung ương đến địa phương đang dốc lực triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá chống khai thác IUU, cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.
Chuyển biến nhận thức từ ngư dân
Việc gỡ được “thẻ vàng” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân bởi thủy sản khi xuất khẩu sẽ có giá thành cao hơn hiện nay. Thông qua tuyên truyền và thực tế tại địa phương, tại các xã biển nhiều ngư dân chia sẻ họ thấy được những lợi ích từ việc gỡ “thẻ vàng” nên đã chủ động khắc phục để khai thác hải sản trên biển đúng quy định.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.057 tàu cá, với hơn 25.000 lao động hoạt động tham gia khai thác hải sản trên biển và hàng chục nghìn lao động tham gia chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tất cả tàu cá ở Thanh Hóa đã đăng ký được cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá…). Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành Trung ương nhằm tranh thủ nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đáp ứng được truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là trong đợt cao điểm cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân qua các hình thức thông tin trên các phương tiện truyền thông; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, tổ chức liên quan hoạt động khai thác hải sản. Phối hợp với UBND cấp xã, làm việc với từng chủ tàu, thuyền trưởng, đại diện chủ tàu chưa đủ thủ tục giấy tờ, xác định nguyên nhân, có phương án tháo gỡ vướng mắc thủ tục giấy tờ; xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng…
Phát huy vai trò của các địa phương
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau gần 7 năm bị EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản, những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam từng bước được cải thiện. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và mới đây nhất là Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư cho thấy, chống khai thác IUU đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước. Vấn đề hiện nay là việc thực thi ở các cấp độ của các địa phương, đây cũng là khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC qua thực tế kiểm tra ở các địa phương trong thời gian qua.
Là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước tiên phong, bắt tay vào thực hiện sớm công tác chống khai thác IUU ngay khi ngành thủy sản Việt Nam bị EC “tuýt còi” vào tháng 10/2017; đầu năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Qua từng năm, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm thiểu và bước đầu được ngăn chặn…
Với cơ sở pháp lý đầy đủ và sự đồng thuận từ các cơ quan Trung ương, nếu các địa phương quyết tâm vào cuộc sẽ chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm, góp phần chống khai thác IUU. Bởi theo Bộ trưởng Hoan, chống khai thác IUU là tiền đề để cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Hành động ở đây không phải để đối phó mà là hành động cho chúng ta nhiều hơn, đây là lúc các địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình trong việc cải thiện hành ảnh của quốc gia chứ không chỉ là vấn đề đơn thuần là gỡ “thẻ vàng” thủy sản, chống khai thác IUU.
Chuẩn bị tốt cho đợt thanh tra lần thứ 5
Ngày 24/4, Bộ NN&PTNT có Công văn số 2982/BNNTS gửi lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống khai IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5, dự kiến vào cuối tháng 5/2024. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, giao các cơ quan chức năng, chính quyền cấp cơ sở kiểm tra, rà soát và đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản thực hiện sơn đánh dấu tàu cá, kẻ số đăng ký theo quy định. Ngoài ra, yêu cầu tỉnh giám sát chặt chẽ vị trí neo đậu của các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản, kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện hoạt động đi khai thác thủy sản trên biển và đề nghị chủ tàu không để ngư cụ, thiết bị, dụng cụ khai thác trên tàu; quản lý chặt chẽ ngư dân, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài…
Hải Lý
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn