Ngay từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp thủy sản đã chủ động tìm biện pháp ứng phó để định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2024 được xác định tiếp tục khó khăn với các doanh nghiệp thủy sản khi các thị trường truyền thống năm qua đều sụt giảm như: Mỹ sụt giảm 32%, Trung Quốc giảm 15%; Nhật Bản, Hàn Quốc, EU giảm từ 10 – 20%. Một vài thị trường mới nổi có sự tăng trưởng tuy nhiên không đáng kể. Sự sụt giảm này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Chính vì vậy ngay từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp đã chủ động tìm biện pháp ứng phó để định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, mặc dù gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhưng doanh thu của Công ty Mãi Tín, tỉnh Bình Định vẫn giữ ổn định hơn 200 tỷ đồng, bằng cách tăng cường làm hàng gia công, tạo việc làm ổn định cho gần 400 lao động.
Trong những tháng cuối năm 2023, doanh nghiệp đã huy động công nhân tăng ca để kịp đơn hàng cho quý I/2024. Nhờ vậy, người lao động rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.
Năm 2024 được xác định tiếp tục khó khăn với các doanh nghiệp thủy sản khi các thị trường truyền thống năm qua đều sụt giảm. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)
“Thời điểm cuối năm, đơn hàng bên em sản xuất tăng rất nhiều. Hiện tại cả nhà máy chạy toàn bộ công suất và cho tăng ca thêm. Hiện tại tuyển thêm công nhân để đảm bảo đáp ứng sản xuất”, anh Trần Thanh Bình, Quản đốc Công ty TNHH Mãi Tín, Bình Định, cho biết.
“Hiện tại công ty đang cố gắng để đẩy mạnh sản xuất sản phẩm mới, trong đó có 2 sản phẩm là tôm và cá diêu hồng được nuôi ở hồ Định Bình. Những sản phẩm này công ty sẽ hướng tới sản xuất hàng có giá trị gia tăng cao, ví dụ như hàng tẩm bột”, ông Kosaburo Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín, Bình Định, chia sẻ.
Sau một thời gian phải sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngưng, bằng nhiều cách thức tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng, các xưởng sản xuất của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Bình Định và Phú Yên đã bắt đầu tiến hành sản xuất phục vụ cho đơn hàng đầu tiên của năm 2024 xuất khẩu sang các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản với sản phẩm chủ yếu là tôm đông lạnh và cá dũa, cá ngừ… Do đó, tốc độ phát triển của ngành thủy sản các địa phương này vẫn giữ ổn định.
Chuyển hướng thị trường trong nước khi thị trường xuất khẩu gặp khó đang là cách làm giúp các doanh nghiệp chế biến thủy sản đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Khắc phục khó khăn duy trì sản xuất
Doanh nghiệp chế biến thủy sản nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội thị trường. Tuy nhiên để tăng hiệu quả sản xuất, chuỗi liên kết từ khâu khai thác, nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm… và cả chính sách tín dụng cho ngành thủy sản cũng cần phải được đồng bộ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngay từ giữa năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình tín dụng, trong đó quan trọng là giảm mạnh lãi suất vay giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề hàng tồn kho.
Tuy nhiên nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, nguồn tín dụng này sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa khi quy trình tiếp cận nguồn vốn được nới lỏng hơn trong năm 2024.
Về nguồn nguyên liệu, các địa phương tăng cường nuôi trồng, giảm khai thác; đồng thời tại các cảng cá phải giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ, thu nhật ký, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc thủy sản. Mục tiêu phải gỡ được “thẻ vàng” trong quý II/2024.
Chủ động ứng phó điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cùng với sự thay đổi tư duy của ngư dân, hộ nuôi trồng theo hướng tăng chất lượng nguồn nguyên liệu và chính sách tín dụng nới lỏng của Chính phủ sẽ giúp ngành thủy sản có nhiều điều kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2024.