Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

0

Chuyển đổi xanh trong ngành chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm đông lạnh, không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hành trình này đang gặp nhiều rào cản lớn liên quan đến chi phí, cơ sở hạ tầng và quản lý năng lượng.

Thực trạng phát thải trong chế biến tôm đông lạnh

Theo khảo sát từ 48 cơ sở chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 100% cơ sở thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân với công suất thiết kế từ vài trăm tấn đến 20.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, công suất thực tế chỉ đạt 40 – 60% công suất thiết kế trong giai đoạn 2020 – 2021. Sự dư thừa công suất này làm gia tăng chi phí sản xuất và lượng phát thải trên mỗi đơn vị sản phẩm

chế biến tôm

Rào cản chuyển đổi xanh trong việc chế biến tôm đông lạnh của nước ta. Ảnh: vietnamplus.vn

Yếu tố quan trọng tiếp theo là mức tiêu thụ điện năng. Mỗi cơ sở chế biến trung bình tiêu thụ 4,11 triệu kWh điện/năm, thậm chí có cơ sở đạt tới 20 triệu kWh/năm. Điện năng tiêu thụ lớn này chính là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến phát thải khí nhà kính (GHG).

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi chất lạnh sang NH3 để giảm phát thải, nhưng vẫn còn 13/48 doanh nghiệp sử dụng môi chất Freon 22 (R22) – loại khí có hệ số phát thải cao gấp gần 2.000 lần CO2.

Sự chênh lệch phát thải giữa các quy mô cơ sở

Lượng phát thải khí nhà kính của các cơ sở chế biến quy mô nhỏ cao hơn đáng kể so với các cơ sở quy mô lớn:

– Cơ sở có công suất >5.000 tấn/năm: Phát thải 0.93 kg CO2e/kg tôm.

– Cơ sở có công suất <1.000 tấn/năm: Phát thải lên tới 2.89 kg CO2e/kg tôm.

Sự chênh lệch này cho thấy việc nâng cao năng suất và tối ưu hóa vận hành có thể giảm lượng phát thải, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh.

Một số rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh khác

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi và thích nghi với xu hướng công nghệ hiện đại, không ít những rào cản lớn đã và đang ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của họ. Sau đây là những rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh.

tôm

Chi phí đầu tư để chế biến tôm đông lạnh là rất lớn. Ảnh: afamily.vn

Chi phí đầu tư

Việc thay đổi từ công nghệ cũ sang các giải pháp mới, như chuyển đổi hệ thống lạnh từ R22 sang NH3, là một thách thức tài chính lớn. Hệ thống sử dụng NH3 yêu cầu thiết kế và cấu trúc hoàn toàn khác so với R22. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư mới toàn bộ hệ thống, từ thiết bị đến cơ sở hạ tầng.

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí đầu tư cao là một rào cản khó vượt qua, khi họ không dễ dàng huy động vốn hay tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính. Ví dụ, một nhà máy chế biến thủy sản có thể phải chi hàng tỷ đồng để thay đổi hệ thống, trong khi lợi nhuận ngắn hạn không đủ để bù đắp chi phí này.

Áp lực từ chứng nhận bền vững

Các tiêu chuẩn quốc tế như SA8000 hay các chứng nhận liên quan đến phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ dừng lại ở việc đạt chứng nhận, doanh nghiệp còn phải đảm bảo việc duy trì các tiêu chuẩn này liên tục qua các kỳ đánh giá. Điều này đồng nghĩa với việc phải đầu tư thêm vào nguồn lực, thời gian, và chi phí quản lý. Các doanh nghiệp nhỏ thường gặp khó khăn hơn khi so sánh với những đối thủ lớn đã có nền tảng tài chính và quản lý mạnh mẽ.

Việc không đạt chứng nhận có thể khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế hoặc các đối tác lớn.

Nguồn lực

Một thực tế đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp không khai thác hết tiềm năng của các hệ thống sản xuất hiện có. Theo số liệu, nhiều doanh nghiệp chỉ đạt 40 – 60% công suất thiết kế, tức là nguồn tài nguyên và công nghệ hiện có không được tận dụng hết.

Việc này không chỉ gây lãng phí tài chính mà còn làm tăng lượng phát thải, ảnh hưởng đến môi trường và uy tín doanh nghiệp trước các đối tác quốc tế.

Thị trường đầu ra

Một yếu tố lớn khác ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chính là sự không ổn định của thị trường. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc giá cả nông sản trong nước dễ bị tác động bởi yếu tố mùa vụ và các biến động kinh tế toàn cầu.

Thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu, dễ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại và thay đổi nhu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn, dẫn đến tình trạng sản xuất cầm chừng hoặc không dám đầu tư lớn để mở rộng quy mô.

Trên đây là một số rào cản chuyển đổi xanh trong ngành chế biến tôm đông lạnh. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ có giải pháp cho hướng đi mới, để đưa tôm Việt Nam được nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Hòa Thy

Nguồn: Tép Bạc

Leave A Reply

Your email address will not be published.