Quy định phải bổ sung i-ốt vào muối dùng trong chế biến thực phẩm hiện vẫn đang tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam.
Khó tìm muối không i-ốt cho chế biến xuất khẩu
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mỗi năm, xuất khẩu thủy sản đang mang về từ 10-11 tỷ USD. Trong đó, có đến hơn 90% lượng thủy sản chế biến xuất khẩu đến hơn 160 thị trường trên toàn cầu dưới các dạng: đông lạnh (bao gói), đồ hộp, hàng khô, hàng ăn liền, nước mắm truyền thống ….
Doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp khó với quy định trong Nghị định 09/2016.
Rất nhiều sản phẩm chế biến từ các loài thủy sản chủ lực của Việt Nam (tôm, cá ngừ, cá tra, nghêu, mực, bạch tuộc…) đang sử dụng muối trong quy trình công nghệ, với yêu cầu sử dụng phải là muối tinh khiết, an toàn (đáp ứng yêu cầu của HACCP cho an toàn thực phẩm).
Hiện nay, các nước nhập khẩu thủy sản không có yêu cầu sử dụng muối i-ốt đối với thủy sản nhập khẩu. Do đó, các nhà nhập khẩu thường phản ứng, yêu cầu có Giấy xác nhận cam kết không dùng muối có chứa i-ốt từ nhà xuất khẩu, thậm chí từ chối đơn hàng nếu nhà xuất khẩu sử dụng muối có chứa i-ốt trong quá trình chế biến.
Trong khi đó, với yêu cầu phải bổ sung i-ốt vào muối dùng trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, các doanh nghiệp ngành thực phẩm, trong đó có thủy sản, đang rất khó khăn hoặc không thể tìm được nguồn muối tinh khiết và không có bổ sung i-ốt để phục vụ cho chế biến. Các cơ sở làm muối thủ công (không phải tuân thủ Nghị định 09/2016) lại không đủ về số lượng và không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng muối, độ tinh khiết của muối.
Ông Hòe nhận định, tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn lớn cho toàn ngành chế biến thủy sản.
Bất lợi khi cạnh tranh với thủy sản nhập khẩu
Ông Hòe cho biết, Nghị định 09/2016 chỉ áp dụng với thực phẩm tiêu dùng trong nước, không áp dụng với thực phẩm xuất khẩu. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay đều sản xuất hàng hóa cho cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước theo nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Vì vậy, để đáp ứng quy định trong Nghị định 09/2016, với các dòng hàng thủy sản chế biến cung cấp ra thị trường tiêu dùng nội địa, doanh nghiệp buộc phải sản xuất riêng, độc lập, không thể điều chuyển từ lô hàng chế biến cho xuất khẩu sang cho tiêu dùng nội địa và ngược lại. Điều này làm hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp và bất cập cho sản xuất, kinh doanh, nhất là những khi xuất khẩu gặp khó khăn thì doanh nghiệp không thể chuyển hàng xuất khẩu sang tiêu thụ ở thị trường nội địa và ngược lại.
Không những thế, do phải sử dụng muối có chứa i-ốt, hàng thủy sản chế biến cho thị trường nội địa của các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh không công bằng với thủy sản nhập khẩu vốn không bị kiểm soát về quy định bổ sung muối i-ốt.
Doanh nghệp thủy sản đang rất khó tìm đủ nguồn muối tinh khiết, không bổ sung i-ốt.
Mặt khác, tuy Nghị định 09/2016 cho phép loại trừ “các cơ sở thực phẩm xuất khẩu” không thuộc điều chỉnh của Nghị định. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thực tế thì rất ít doanh nghiệp, cơ sở nào chỉ sản xuất để xuất khẩu, mà còn làm cả hàng nội địa. Cho nên, quy định loại trừ này sẽ vô cùng bất cập trong thực tiễn triển khai, dễ xảy ra việc tùy tiện trong thực thi của các cơ quan thẩm quyền khi xác định doanh nghiệp là “cơ sở thực phẩm xuất khẩu” hay không.
Ngoài ra, có một mối lo ngại là những người đã đủ và thừa i-ốt thì không cần bổ sung i-ốt, mà nếu họ không có sự lựa chọn an toàn cho bản thân khi bắt buộc sử dụng các nguồn thức ăn đều có muối bổ sung i-ốt, thì các nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của họ (như bệnh cường giáp, ung thư tuyến giáp…).
Đề xuất “cởi trói” cho doanh nghiệp
Ông Hòe cho biết, một số quốc gia khi quy định bổ sung i-ốt vào muối, cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong khi bắt buộc bổ sung i-ốt cho muối ăn dùng trong hộ gia đình, thì Canada lại không bắt buộc bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm
Theo ông Hòe, VASEP luôn ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong các quyết sách để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhân dân, trong đó có quyết sách về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Tuy nhiên, trước những bất cập từ quy định phải bổ sung i-ốt vào muối dùng trong chế biến thực phẩm, VASEP đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét điều chỉnh, bổ sung theo hướng loại trừ hàng thủy sản và thực phẩm xuất khẩu khỏi Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016. Đồng thời khuyến khích sử dụng muối có bổ sung i-ốt trong chế biến thực phẩm dùng cho tiêu dùng nội địa. Bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình và dịch vụ ăn uống trực tiếp (đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030) và các gia vị mặn dạng rắn.
VASEP cũng kiến nghị cho phép các cơ sở sản xuất, nhập khẩu muối được cung cấp muối không bổ sung i-ốt để sử dụng theo nhu cầu của những người thừa i-ốt và của doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu. Yêu cầu ghi nhãn rõ ràng về muối i-ốt và lợi ích phòng chống bướu cổ để phân biệt với muối tinh khiết.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt 7,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu đạt 922 triệu USD, tăng 13% so với tháng 9/2023.
Sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý 3.
Xuất khẩu thủy sản trong quý 3 năm nay đạt 2,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có những bứt phá đáng kể gồm cá tra tăng 14%, tôm tăng 20%, cua ghẹ tăng 59%, nhuyễn thể có vỏ tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ có xu hướng chững lại và xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục sụt giảm.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam