Đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp: Hướng đi tương lai

0

Sáng nay (17/10) tại Hà Nội, Cục Thủy sản tổ chức cuộc họp nhằm thảo luận về việc đào tạo nghề cho nuôi biển công nghiệp, với sự tham gia của các đại diện từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng nhiều trường đào tạo ngành thủy sản. Cuộc họp đã nêu bật tiềm năng lớn của nuôi biển tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững lĩnh vực này.

Phát huy tiềm năng nuôi biển 

Mở đầu cuộc họp, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ, Việt Nam có một nguồn tài nguyên biển phong phú và tiềm năng nuôi biển còn rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản chưa tăng trưởng đáng kể, và việc mở rộng nuôi biển trở thành một xu thế tất yếu. Cơn bão số 3 vừa qua đổ bộ vào miền Bắc đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho người nuôi biển, cuốn trôi nhiều lồng bè.

Đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp: Hướng đi tương lai

Các đại biểu tham dự cuộc họp về đào tạo nghề cho nuôi biển công nghiệp sáng 17/10 tại Cục Thủy sản

“Trong khi đó, hiện nay, các nước xung quanh chúng ta như Indonesia cũng đang tập trung phát triển nuôi biển. Do vậy, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế từ nuôi biển để giảm áp lực khai thác, đặc biệt là khai thác ven bờ.” Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay, đa phần người nuôi biển vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về sử dụng neo trong khi đây là phần quan trọng, nếu neo không vững chắc thì chỉ cần sóng đánh mạnh sẽ ảnh hưởng đến lồng và tác động đến cá nuôi. Do vậy, khi có tài liệu nuôi biển đầy đủ và bài bản sẽ giúp xây dựng ngành nuôi biển bền vững, giảm thiểu những rủi ro trong tương lai.

Đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp: Hướng đi tương lai

Tài liệu nuôi biển công nghiệp do các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản biên soạn

Gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050. Do vậy, Cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng, các địa phương cần xác định đúng vùng nuôi trong quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh, tích hợp đa giá trị, tháo gỡ một số khó khăn về thủ tục hành chính để sớm giao mặt nước biển cho người dân yên tâm nuôi trồng.

“Nếu muốn khai thác bền vững thì cần có quy hoạch, cơ sở đào tạo, định hướng giống thức ăn, xây dựng quy định, quy chuẩn, cơ sở vật chất, vật liệu làm lồng bè,…và kế hoạch ứng phó nếu có những cơn bão tương tự như bão số 3 xuất hiện thì cần thay đổi nhận thức từ phía người dân để họ tham gia bảo hiểm phòng ngừa rủi ro.” Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết.

Tích hợp kinh nghiệm quốc tế

Tham dự cuộc họp, bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp hiện vẫn còn yếu. Việc thiếu hụt nguồn lực và công nghệ hiện đại khiến cho kỹ thuật sản xuất của lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng mô hình đào tạo theo nhu cầu thực tế là rất cần thiết.

Bà Ninh cũng cho biết, VCCI đã phối hợp với chính phủ Na Uy tiến hành chương trình 5 năm hỗ trợ, xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động làm việc trong ngành nuôi biển theo tinh thần chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang công nghiệp.

Để xây dựng chương trình đào tạo, VCCI đã phối hợp cùng các chuyên gia tiến hành phân tích yêu cầu về kỹ năng cho người lao động tại các trang trại nuôi biển công nghiệp, dựa trên kết quả khảo sát và tiêu chuẩn tham khảo về nghề nuôi biển ở Na Uy cùng sự tham gia của doanh nghiệp, trường, viện để xây dựng nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Bà Ninh cho biết, thông qua các chương trình đào tạo, người dân đã cảm thấy vui mừng và có động lực hơn, khi họ có thể áp dụng kiến thức mới vào thực tiễn.

Với 40 năm kinh nghiệm nuôi cá hồi của Na Uy, đại diện Đại sứ quán Na Uy cũng bày tỏ, Việt Nam có tiềm năng nuôi biển lớn và Na Uy luôn mong muốn đồng hành, ủng hộ giúp Việt Nam phát triển mạnh nuôi biển.

Thay đổi nhận thức 

Về phía các trường, PGS.TS Thái Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thuỷ sản chia sẻ, hiện nay chương trình đào tạo vẫn mang tính hàn lâm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Để chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang hiện đại, ngành thủy sản cần có nhiều thay đổi, từ việc xây dựng giáo trình cho đến cách thức thực hành.

Các trường cũng bày tỏ mong muốn tiếp cận tài liệu và công nghệ hiện đại từ Na Uy để nâng cao trình độ đào tạo. Nhiều hộ nuôi biển vẫn còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, dẫn đến việc gặp phải khó khăn trong quá trình nuôi.

Hướng đi tương lai

Qua nghe các ý kiến, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân khẳng định rằng cuộc họp là một bước khởi đầu quan trọng cho việc xây dựng chương trình đào tạo nghề nuôi biển bài bản và bền vững cho các trường, Viện. Thời gian tới, Cục sẽ phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức 2 – 3 lớp tập huấn nuôi biển tại Vân Đồn, Cẩm Phả (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng), nơi có nhiều mô hình nuôi biển hiện nay. Các nội dung đào tạo chính được đào tạo như lập kế hoạch cho trang trại nuôi biển, kế hoạch vận hành, lựa chọn phao, neo,…

Dài hạn, Cục Thủy sản sẽ xây dựng quy trình chuẩn hóa đào tạo, hợp tác với các trường và doanh nghiệp lớn trong ngành để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp: Hướng đi tương lai

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Chìa khóa cho sự phát triển bền vững của ngành nuôi biển nằm ở việc thay đổi nhận thức của người dân và áp dụng các phương pháp nuôi tiên tiến. Bằng cách đầu tư vào giáo dục và đào tạo, Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng của ngành nuôi biển, góp phần thúc đẩy kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Thùy Khánh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.