Đắk Nông: Duy trì sản lượng khai thác hàng năm khoảng 1.000 tấn

0

Tỉnh Đắk Nông chủ trương thực hiện kế hoạch hàng năm thả bổ sung vào vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh khoảng 20.000 – 40.000 con giống thủy sản có giá trị kinh tế, các loài thủy sản bản địa, đồng thời duy trì ổn định sản lượng khai thác đạt khoảng 1.000 tấn.

Tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về khai thác, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.

thủy sản Đak Nông

Tỉnh Đắk Nông chủ trương thả bổ sung giống thủy sản vào vùng nước tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm khoảng 0,5 – 1 tấn. Ảnh: baodaknong

Đồng thời phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu trên 50% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản; Thành lập 1 tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Hàng năm, thả bổ sung giống thủy sản vào vùng nước tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh 0,5 – 1 tấn tương đương 20.000 – 40.000 con giống thủy sản có giá trị kinh tế, các loài thủy sản bản địa. Cùng đó, duy trì ổn định nguồn lợi thủy sản, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 1.000 tấn.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có nghề cá phát triển, các thủy vực có tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh trật tự, lợi ích chung của tỉnh khi đánh bắt, khai thác thủy sản trên sông, hồ chứa lớn.

Để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch, tỉnh đặt ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản và nghề cá thương phẩm; Bảo vệ và ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản; Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản; Cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Nâng cao năng lực quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển phát triển nguồn lợi thủy sản.

Riêng đối với các huyện, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh yêu cầu chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Tập trung rà soát các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng xung điện, chất nổ, chất độ, ngư cụ cấm để tuyên truyền vận động và cam kết không sử dụng. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn quản lý;

Cùng đó, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; xem xét nhu cầu thực tế của người dân và căn cứ điều kiện tại của phương đang quản lý triển khai hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định.

PV

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.