Đăk Lăk: Nhiều rủi ro nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk

0

Sêrêpốk là một trong 2 dòng sông chính của tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, mặc dù hoạt động nuôi cá lồng bè tự phát trên sông Sêrêpốk mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ đứng trước rủi ro thiệt hại nặng khi xảy ra thiên tai mà còn ảnh hưởng đến quá trình vận hành hồ chứa thủy điện trên chính dòng sông này.

Theo UBND huyện Krông Ana, trên địa bàn có 2 địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng bè là xã Ea Na và thị trấn Buôn Trấp mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Toàn huyện hiện có 14 hộ nuôi cá lồng, với tổng cộng 218 lồng. Có 2 tổ hợp tác về thủy sản là tổ hợp tác Nuôi cá Thiên Phát (xã Ea Na) và tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản thị trấn Buôn Trấp.

Đại diện UBND xã Ea Na, huyện Krông Ana cho biết, đoạn sông Sêrêpốk qua địa bàn xã có chiều dài 5,8 km đã được cắm mốc hành lang thoát lũ. Ở địa phương có 8 hộ nuôi cá trên sông, với 114 lồng, sản lượng hằng năm gần 270 tấn. Đây là vùng hạ du thủy điện Buôn Tua Srah, những điểm nuôi cá là khu vực trũng, khó thoát nước.

sông Sêrêpốk

Phần lớn các cơ sở nuôi cá lồng, bè trên sông Sêrêpốk đều chưa đủ các thủ tục theo quy định. Ảnh: BĐL

Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản Đắk Lắk, các cơ sở nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk, trong đó có địa bàn huyện Krông Ana là tự phát, chưa được cơ quan thẩm quyền giao/cho thuê đất/mặt nước để nuôi trồng thủy sản nên các cơ sở này chưa được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng, bè.

Người dân nuôi tự phát khiến công tác quản lý nhà nước về thủy sản gặp khó khăn trong thống kê số liệu, quản lý số lượng, sản lượng nuôi cũng như việc chỉ đạo, điều hành, hoạch định các chính sách liên quan. Bên cạnh đó, việc nuôi tự phát không theo quy hoạch còn tiềm ẩn rủi ro về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh do không được quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản. Khi xảy ra thiên tai, người nuôi không được hưởng các chính sách hỗ trợ do việc nuôi không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trên lưu vực sông Sêrêpốk hiện có nhiều nhà máy thủy điện bậc thang đang hoạt động. Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp – đơn vị quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện trên hệ thống sông này cho biết, nuôi cá trong lòng hồ, phía trên hồ và hạ du hồ chứa thủy điện, nếu không có biện pháp bảo đảm an toàn thì khi lũ về sẽ làm trôi lồng bè về phía hồ chứa công trình, ảnh hưởng đến an toàn công trình, nhất là các van xả.

Trước thực trạng trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên sông, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; hướng dẫn các hộ nuôi đăng ký xác nhận nuôi thủy sản lồng, bè theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân và quy định pháp luật; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, hướng dẫn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, thiên tai để hoạt động nuôi cá lồng, bè hiệu quả, hạn chế thiệt hại.

Đồng thời, thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản định kỳ để theo dõi diễn biến chất lượng nước và có khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng nước, phòng ngừa ô nhiễm, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đề nghị địa phương tham mưu thực hiện việc giao, cho thuê đất có mặt nước trên sông để nuôi trồng thủy sản đúng quy định pháp luật về đất đai và làm cơ sở thực hiện pháp luật về thủy sản, giao thông đường thủy.

Nguyễn Hằng

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.