Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam lần thứ III: Đổi mới hoạt động – Tăng cường hợp tác

0

Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam nhiệm kỳ III (2012 – 2017) vừa qua là dịp toàn ngành đánh giá lại những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, các đại biểu tham dự Đại hội có nhiều ý kiến đóng góp vì sự phát triển chung của Hội và ngành thủy sản.

Ông Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: Đổi mới phải gắn liền với thực tiễn

Ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt NamChủ đề của Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam lần này là đổi mới hoạt động, tăng cường hợp tác và phát triển bền vững, để thực hiện được những điều này cần sự quan tâm của các cấp các ngành và sự nỗ lực hết mình của Hội Nghề cá Việt Nam.

Những năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã có nhiều đổi mới nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục có những đổi mới, tập trung vào ba nội dung chính là đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Hội. Mà quan trọng là đổi mới về phương thức hoạt động, bằng những việc làm cụ thể, đảm bảo cuộc sống của hội viên từ cơ sở, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân, đồng thời phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả. Hoạt động đổi mới phải gắn liền với thực tiễn, đời sống của ngư dân, mang lại những giá trị nhất định về mặt kinh tế. Giúp người dân yên tâm sản xuất, bảo vệ vững chắc biên giới biển đảo của dân tộc.

 

Ông Liêu Cẩm Hiền – Chủ tịch Hội Nghề cá Vĩnh Long: Hội là cầu nối giữa người nuôi và doanh nghiệp

Ông Liêu Cẩm Hiền - Chủ tịch Hội Nghề cá Vĩnh LongHội Nghề cá Vĩnh Long hiện có 75 hội viên hoạt động tích cực trong các chi hội cơ sở. Những năm qua, Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất giỏi tới các hội viên. Đồng thời, gắn sản xuất với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với thế mạnh của tỉnh là nuôi thủy sản nước ngọt đặc biệt là cá tra với trên 400 ha, năng suất đạt 110 tấn/năm, năm 2012, toàn tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đưa cá tra và cá điêu hồng trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn gặp những khó khăn nhất định như vấn đề nguồn vốn sản xuất, nguyên liệu đầu vào cao, giá thành sản phẩm lại thấp, người nuôi chưa thực sự có lãi, con giống chưa sản xuất đủ, nguồn gốc không rõ ràng nên chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu. Trong thời gian tới, Hội Nghề cá tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa người nuôi và doanh nghiệp, tăng cường phổ biến kiến thức, nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực cho đời sống của ngư dân.

nghề cá

 

Ông Võ Đông Đức – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ:Chú trọng phát triển các nhà máy chế biến

Ông Võ Đông Đức - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thủy sản Cần ThơTrong những năm qua, với việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra và tôm càng xanh, ngành thủy sản Cần Thơ đã nhanh chóng góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL. Hiện, Cần Thơ có 25 nhà máy chế biến thủy sản, đứng thứ ba sau An Giang và Đồng Tháp về sản xuất nguyên liệu thủy sản. Nhằm phát huy hơn nữa những thế mạnh sẵn có, Cần Thơ chú trọng phát triển các nhà máy chế biến thủy sản, quan tâm tới chất lượng sản phẩm, nâng cao và cải tiến công nghệ nhằm phát triển một cách toàn diện các khâu từ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.

Để Hội Nghề cá Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, Hội cần có những chính sách thiết thực, gắn liền với tình hình thực tế, giúp ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế.

 

Bà Trần Thị Thu Nga – Chủ tịch Hội Nghề cá Bến Tre: Tập trung công tác phát triển cộng đồng 

Bà Trần Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội Nghề cá Bến TreHội Nghề cá tỉnh Bến Tre trong những năm qua đã xây dựng và phát triển các mô hình cộng đồng trên nền tảng tác động nhận thức, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với mục tiêu hướng tới phát triển bền vững; xây dựng tổ chức đồng quản lý nuôi cá quy mô nhỏ, các hệ đa dạng sinh học ven biển, xây dựng các chuỗi liên kết chế biến.

Để làm được những điều này, Hội đã tự thân vận động thông qua kêu gọi tài trợ từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ (WWF), và các tổ chức có quan tâm tới hoạt động của Hội. Đồng thời, triển khai thực hiện thành công mô hình đồng quản lý các tổ chức chi hội làng nghề ven biển trực thuộc Hội Nghề cá tỉnh, xây dựng được thương hiệu cho 2 chi hội chế biến thủy sản khô làng nghề ven biển huyện Ba Tri và Bình Đại, nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường mở rộng mô hình trong tỉnh và các vùng lân cận. Mô hình thành công thứ hai là mô hình đồng quản lý bảo tồn khu đa dạng sinh học Châu Bình, xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng nhằm tạo ra ngành nghề mới, nhận thức mới trong việc phát triển tiềm năng nguồn lợi thủy sản.

 

Ông Trần Văn Của – Chủ tịch Hội Nghề cá Cà Mau: Một hội mạnh trước hết các tổ chức cơ sở phải mạnh

Ông Trần Văn Của - Chủ tịch Hội Nghề cá Cà MauHội Nghề cá tỉnh Cà Mau hiện có trên 30 hội cơ sở với 1.482 hội viên, Hội đã tổ chức các buổi đại hội ở các chi hội cơ sở nhằm tổng kết tình hình hoạt động, những thành tích đạt được và những khó khăn cần khắc phục. Năm 2012, Hội đặt mục tiêu phát triển cơ sở hội đến cấp xã, thu hút sự tham gia đông đảo của các hội viên, dự kiến sẽ tổ chức đại hội thành lập 2 đơn vị huyện hội trong quý II/2012.

Để thúc đẩy sự phát triển của Hội, các hội viên cần phải thực sự mạnh, nắm vững công tác tổ chức Hội, về chức năng nhiệm vụ của các thành viên, Hội cũng cần động viên biểu dương những chi hội sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời tích cực phổ biến kỹ thuật, là cầu nối giữa ngư dân và doanh nghiệp, gắn bó người dân với Hội.

Vân Anh

Leave A Reply

Your email address will not be published.