Mới đây, cuốn đặc san “Toàn cảnh ngành thủy sản Việt Nam” do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến làm Chủ tịch hội đồng; Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư đã chính thức xuất bản.
Việc cuốn sách ra đời trong bối cảnh ngành thủy sản vừa kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng; bởi cuốn sách như một thước phim, như một cuốn tư liệu giúp chúng ra có cái nhìn tổng thể về ngành, từ lúc sơ khai nhất đến nay đã trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.
Đặc san mở đầu bằng cái nhìn tổng quát, ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất về ngành thủy sản, về những lợi thế, ưu điểm mà ngành có được. Ngay sau đó là câu chuyện Bác Hồ về thăm làng chài Cát Hải (Cát Bà – Hải Phòng) khai mở việc thành lập ngành thủy sản Việt Nam. Đó cũng chính là những dấu mốc đầu tiên trong quá trình phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia sau này.
Đặc san cũng thể hiện được rõ nét sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với ngành thủy sản thông qua hàng loạt các chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành. Từ những lời động viên, chúc mừng, giao nhiệm vụ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành; đến những chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bối cảnh thủy sản gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch COVID…
Chính nhờ sự chỉ đạo, động viên kịp thời đó đã góp phần không nhỏ tạo nên “kỳ tích” của ngành, khi những năm gần đây các sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), năm 2023 dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành vẫn đạt con số 9,2 tỷ USD; đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam)…
Một trong những nội dung chính quan trọng nhất của cuốn Đặc san chính là những thành tựu nổi bật của từng lĩnh vực, góp phần làm nên bức tranh đầy màu sắc của ngành thủy sản. Đó là các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, kiểm ngư… Mỗi phần nội dung “đại diện” cho các đơn vị chuyên môn, các phòng ban của 2 Cục Thủy sản và Kiểm ngư.
Không chỉ có cái nhìn tổng thể, Đặc san cũng đi vào từng vấn đề nhỏ, diễn giải cụ thể hơn “câu chuyện” chinh phục thị trường thế giới của các sản phẩm chủ lực trong ngành; như “Chuyện về con tôm Việt Na” hay “Tôm thẻ chân trắng và hành trình mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn”; rồi chuyện về cá tra với bài “Chặng đường gian nan chinh phục nước Mỹ của loài cá tỷ đô”… Qua đó, có thể thấy rõ nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trong việc định hình, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững những sản phẩm chủ lực của ngành.
Cùng với đó, Đặc san cũng đề cập đến những người trực tiếp sản xuất, tạo ra nguyên liệu cũng như kết nối, đưa các sản phẩm chế biến thủy sản đi khắp các thị trường toàn cầu; là những câu chuyện, cách làm; là chặng đường mà họ đã đi qua, đã tạo dựng làm nên tên tuổi cho riêng mình cũng như tạo dựng thương hiệu, uy tín cho ngành thủy sản Việt Nam như: Minh Phú, Việt – Úc, Fimex, Nam Miền Trung…
Theo chia sẻ của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Phó Chủ tịch Hội đồng biên tập Đặc san, cuốn đặc san đã góp phần định hình mốc son của ngành thủy sản từ lúc sản xuất tự cung tự cấp đến hội nhập, xuất khẩu thủy sản đến 170 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng những dấu ấn trong khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong giai đoạn tới, ngành thủy sản ưu tiên mạnh cho công tác phát triển nuôi biển gắn với bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc đặt mục tiêu tăng các khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng nhằm đạt được mục tiêu, chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cho ngành. Bên cạnh đó, cuốn sách còn gợi mở những giải pháp, định hướng phát triển của ngành thủy sản trong thời gian tới để các thế hệ tiếp theo tiếp tục phát huy hơn nữa thành quả của những người đi trước, chuyển hóa tốt nhất các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cho các giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đúng như kỳ vọng về khai thác hiệu quả tiềm năng của một quốc gia ven biển.
Với gần 400 trang, đặc san “Toàn cảnh ngành thủy sản Việt Nam” được coi như một cuốn “bách khoa thư” của ngành. Đặc san gồm 5 chương ghi lại các mốc son đáng nhớ của ngành, đặc biệt nhấn mạnh lịch sử phát triển, hình thành ngành thủy sản và không thể thiếu những thành tích, con số tạo nên bước ngoặt lịch sử của ngành.
Hải Lý (Tổng hợp)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn