Sáng ngày 01/01/2024, đoàn công tác do Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản làm trưởng đoàn, đã có buổi kiểm tra tình hình sản xuất, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản tại tỉnh Phú Yên.
Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Thủy Sản Đắc Lộc, các thành viên trong đoàn đã được giới thiệu về khu sản xuất giống (tôm nước lợ, cá biển), nuôi tôm công nghệ cao Đắc Lộc, hàng năm Công ty cung cấp ra thị trường hàng tỷ con tôm giống chất lượng cao, hàng nghìn tấn tôm nguyên liệu đạt tiêu chuẩn ATTP theo phương châm ứng dụng công nghệ mới để cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình hoạt động và phát triển Công ty. Đặc biệt, hiện nay Công ty được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện nhiệm vụ: “Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hoá tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên” thuộc chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, nhiệm vụ này đã có những kết quả ban đầu và bước tiến mới đối với nghề nuôi tôm hùm trong bể trên bờ. Công ty tiếp tục phát triển nghề nuôi tôm hùm với quy mô hàng hoá hướng đến việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ông Lê Hữu Tình cho biết Công ty xây dựng và duy trì các tiêu chuẩn quốc tế GloGlobal GAP từ năm 2013 đến nay; xây dựng cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm an toàn dịch bệnh theo OIE và thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT; Công ty có phòng thí nghiệm quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025; chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về công nghệ nuôi tôm hùm; đồng thời nêu lên các khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải và đề xuất nhiều giải pháp và chính sách, hướng đi mới bền vững cho chuỗi giá trị tôm hùm… cùng đó hướng tới mở rộng sản xuất một số đối tượng thuỷ sản nuôi trồng trên biển có giá trị kinh tế cao góp phần giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo đúng chủ trương, định hướng của ngành.
Ông Trần Đình Luân đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tiên phong triển khai những mô hình, dự án lớn tầm cỡ quốc gia như “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) trên cát bằng nước biển ven bờ ở miền Trung đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh” thuộc chương trình sản phẩm quốc gia và mô hình “Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hoá”. Đồng thời động viên doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đề nghị thời gian tới, tiếp tục đồng hành cùng ngành Thuỷ sản và chính quyền địa phương, các chuyên gia về lĩnh vực thủy sản trong và ngoài nước, phối hợp nghiên cứu, triển khai thêm các mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản vừa đảm bảo an toàn môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiếp tục đưa ngành nuôi trồng thủy sản Phú Yên lên một tầm cao mới, an toàn, hiện đại và bền vững.
Đoàn công tác Cục Thủy sản do TS Trần Đình Luân, Cục trưởng thăm Công ty TNHH Thủy Sản Đắc Lộc
Theo báo cáo từ địa phương, năm 2023 tỉnh Phú Yên ước diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.669 ha tăng 0,4% so với năm 2022 (trong đó cá các loại 232 ha đạt 94,7%, tôm 2.173 ha tăng 0,5%, thủy sản khác 264 ha tăng 4,8%), sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 17.520 tấn tăng 3,8% so với năm 2022 (trong đó cá 1.919 tấn tăng 13,6%, tôm 14.940 tấn tăng 3,4%, thủy sản khác 661 tấn đạt 90,5%). Dự kiến kế hoạch thủy sản năm 2024 đạt 85.300 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 18.300 tấn (cá 2.150 tấn, tôm 15.420 tấn, thủy sản khác 730 tấn).
Ông Trần Đình Luân đánh giá cao những kết quả mà ngành Thuỷ sản tỉnh Phú Yên đạt được trong công tác chỉ đạo sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là kịp thời thông tin và định hướng sản xuất để bà con ngư dân không hoang mang khi giá thuỷ sản nguyên liệu sụt giảm, đảm bảo ổn định sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Cục trưởng Trần Đình Luân thăm hệ thống sản xuất giống cá, tôm và nuôi tôm hùm trong bể trên bờ tại Công ty TNHH Thủy Sản Đắc Lộc.
Dự báo năm 2024 ngành thuỷ sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình xung đột Nga-Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel – Hamas, tình hình bất ổn tại Trung đông khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản. Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành thuỷ sản tỉnh Phú Yên cần tiếp tục quan tâm phát triển sản xuất con giống, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, sản xuất, quản lý tốt vật tư đầu vào, thu hút các doanh nghiệp đầu tư toàn chuỗi, tăng cường liên kết, giảm các khâu trung gian, hạ giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt nâng cấp hạ tầng các vùng sản xuất thuỷ sản tập trung và phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển nhằm hướng tới phát triển toàn diện, ổn định, bền vững.
PV
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn