Cà xỉu là loài hải sản sống vùi dưới bùn, vùng nước lợ, bề ngoài kỳ lạ nhưng là món đặc sản ăn một lần nhớ mãi tuy nhiên được ít người biết đến.
Cà xỉu có tên tiếng Anh là Lamp shell, tên khoa học là Lingula anatina. Ở miền Bắc và miền Trung có tên là con giá biển hay con dẻ áo, ở miền Nam. Cà xỉu thuộc ngành “chân-liền-tay” (Brachiopod) – phần trên là tay, phần dưới là chân thuộc ngành động vật không xương sống quan trọng nhất Đại Cổ sinh. Hai mảnh vỏ của nó có hai chức năng khác nhau, một gọi là mảnh tay che phủ bề mặt bụng con vật; còn mảnh kia gọi là mảnh chân che phủ phần lưng, nơi mọc ra cái chân dài.
Nó hoàn toàn khác với nhuyễn thể hai mảnh chỉ che phủ hai bên hông. Hai mảnh vỏ của cà xỉu có bản lề ở phía sau, đóng mở bằng cơ, nhưng luôn luôn trong tư thế mảnh có “chân trụ tấn” cắm xuống đáy nước ở phía dưới, còn mảnh tay ở phía trên. Chỉ có mảnh tay mới cử động để hút nước vào lọc lấy thức ăn rồi phun nước ra. Chúng dễ bị phát hiện là do những tia nước phun ra. Giống như những loài khác trong chi của nó, L. anatina là loài ăn lọc sử dụng lophophore để lấy thức ăn từ nước. Chúng đào hang trong cát của môi trường sống thủy triều lợ.
Cà xỉu không những có tên gọi lạ mà còn có hình dáng rất “độc dị”. Bất kỳ ai khi nhìn thấy con cà xỉu đều có cảm giác sờ sợ mặt dù cái vẻ bề ngoài của cà xỉu khá giống những loài hải sản hai mảnh vỏ, nhưng lại giống cả loài côn trùng với cái râu thật dài và to, dài gấp 2-3 lần mảnh vỏ. Do môi trường sống, con cà xỉu sống ở biển nên chất nhờn để cố định con vật tiết ra từ chân dài không mạnh bằng cà xỉu sống ở những vùng nhiều bùn, vì nền cát biển ít lún hơn.
Vỏ cà xỉu cũng là một sự lạ gồm các chất như chitin, protein và calcium phosphate và 50% chất hữu cơ; thành phần hữu cơ làm cho chúng mềm và dẻo. Cà xỉu là loài nhuyễn thể có lớp vỏ màu xanh, phía đầu trước cà xỉu hơi vuông có một số râu sờ và đầu sau là nơi mọc cái chân dài nhưng không đẹp bằng chân dài của loài người, kể cả không thể mang vớ nếu có thẹo thọ. Nhưng da chân với chức năng chịu trụ nên rất dày, màu trắng đục, bên trong chân là các cơ màu trắng.
Cà xỉu có râu dài căm xuống đất để dễ tìm thức ăn. Ảnh: salepeaket.live
Ở miền tây, cà xỉu sống tập trung ở môi trường sông, cửa biển, nước lợ, có nhiều ở vùng đầm Đông Hồ, thị xã Hà Tiên. Giống như sò, cà xỉu sống dưới tầng nước bùn, vì thế chúng có râu dài để cắm xuống đất dễ cho việc tìm kiếm thức ăn. Mùa cà xỉu rộ lên nhiều từ khoảng tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.
Các ngư dân đánh bắt cà xỉu (giống đánh bắt sò) về rửa sạch bùn đất, giữ lại phần đuôi rồi làm mắm. Cứ một lớp cà xỉu rắc một lớp muối lên. Tùy sở thích mà người ta có thể muối bằng nước muối hoặc muối hạt, thêm đường để mắm nhanh chua. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật và kinh nghiệm. Chất lượng của mắm cà xỉu ngon hay không nhờ vào cách muối này. Nếu nhạt quá cà xỉu hỏng, mặn quá cà xỉu sẽ bị đen và cũng hỏng.
Ngoài ra, cà xỉu còn là nguyên liệu chế biến nhiều món. Để làm được món cà xỉu chất lượng, phải chọn những con còn tươi và kích thước đều, kỳ công và tỉ mỉ như ngâm cà xỉu trong nước hoặc ủ muối trước khi đem chế biến món ăn cà xỉu ngon, bổ nhất là phần chân dài có độ giòn sần sật và được yêu thích nhất vẫn khi xào, phần vỏ được giữ nguyên nên món ăn này được cho là trọn vẹn hương vị nhất. Một món ăn khác cũng rất nổi tiếng là gỏi cà xỉu, vị ngọt thơm của thịt với phần chân dai giòn sần sật hòa quyện cùng nước sốt đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Cà xỉu được ví như “thần dược” nên trở thành món khoái khẩu của nhiều người
Tuy nhiên, nếu không đợi người địa phương vừa giới thiệu rồi vừa ăn rồi tấm tắc khen, có lẽ người lạ chẳng bao giờ dám thưởng thức. Nhưng ăn rồi thì mới thấy, không ngờ ngon thiệt. Phải chăng vì thân hình lạ này mà người dân nơi đây mới khai sinh cái tên cà xỉu.
Hồng Huyền
Nguồn: Tép Bạc