Cơ hội tại thị trường Anh

0

Do các doanh nghiệp đã dần thích nghi với những cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) nên hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường này đang được kỳ vọng sẽ có nhiều tăng trưởng trong thời gian tới.

Lợi thế từ FTA

Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực tháng 5/2021 là chất xúc tác cho trao đổi thương mại. UKVFTA mang tới nhiều cơ hội to lớn cho ngành nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống. Hầu hết các dòng sản phẩm thực phẩm và đồ uống hiện đang được hưởng lợi từ việc giảm dần và cuối cùng, loại bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm 2031 (tuân theo các hạn ngạch thuế quan liên quan).

Khi Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã tạo lập được lập lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ thương mại khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil…, do các nhà cung cấp này chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với UK. Trong đó, mặt hàng tôm cũng được hưởng lợi từ cam kết theo Hiệp định UKVFTA.

Xuất khẩu thị trường Anh

Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tôm của thị trường Anh là rất lớn. Ảnh: Lenise Calleja

Ngày 25/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland bằng hình thức biểu quyết điện tử. Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP. Theo các chuyên gia, việc Vương quốc Anh tham gia Hiệp định CPTPP không chỉ giúp các doanh nghiệp có thêm các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Việc này mang lại sự thuận lợi cho Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Đồng thời, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn so với hiện nay.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào các nước thành viên mới của CPTPP đạt được tăng trưởng cao. Tỷ lệ áp dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để thực thị Hiệp định CPTPP đối với một số mặt hàng vẫn gia tăng rất cao như nhóm hàng máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác tăng hơn 100%. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại.

Tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long với Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam và Chủ tịch Phòng Thương mại Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) mới đây; Thứ trưởng Long đã đề nghị phía Anh quan tâm, phối hợp xây dựng hệ thống hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường Anh, tận dụng các ưu đãi từ UKVFTA và CPTPP, trong đó tập trung vào lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông sản, hàng nội thất. Thứ trưởng cũng đề nghị phía Anh giới thiệu, tạo điều kiện cho các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm lớn của Anh để trưng bày sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng.

Thị trường tiềm năng

Đối với sản phẩm tôm Việt Nam, vị thế ngành hàng đang được duy trì khá tốt ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Vương quốc Anh. Tôm Việt Nam đang nỗ lực duy trì thị phần và tập trung vào chế biến sâu. Theo số liệu mới nhất từ hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Anh từ 1/1 – 15/6/2024 đạt 86,2 triệu USD, tăng 10,2% so cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin tại ấn phẩm “Phát triển thị trường Vương quốc Anh đối với ngành thủy sản” của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, nhất là đối với mặt hàng tôm của thị trường Vương quốc Anh rất lớn, thậm chí lớn hơn các thị trường đơn lẻ trong khối EU. Bởi, đa phần người dân Vương quốc Anh đều ăn cá hoặc thủy sản ít nhất 1 lần/tuần và tôm là lựa chọn phổ biến, chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ thủy sản tại thị trường này. Trong đó, các sản phẩm tôm sú và TTCT đông lạnh được người tiêu dùng tại Vương quốc Anh ưa chuộng nhiều hơn. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến từ tôm như bột, tẩm bột, bánh ngọt, các sản phẩm chế biến sẵn và nước sốt, sushi cũng được bày bán rộng rãi nhưng không có tăng trưởng đáng kể.

Đối với khu vực nhà hàng hay dịch vụ ăn uống, tôm cũng là nguyên liệu khá phổ biến với khoảng 61% các cơ sở kinh doanh này tại Anh. Tôm được sử dụng nhiều nhất trong các nhà hàng ăn nhanh (chiếm 48% tổng tiêu thụ khu vực nhà hàng); các nhà hàng (chiếm 21%) và quán rượu – pub (12%). Ngoài ra, tôm cũng rất được ưa chuộng trong các nhà hàng Ấn Độ, Trung Quốc với các món cuốn, súp, há cảo/màn thầu…

Theo nhận định của Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, về dài hạn, với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng với các mặt hàng thủy sản, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đã dần thích nghi với những cam kết, khả năng tận dụng những ưu đãi tăng lên sẽ nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường Anh. Xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ. Dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022 – 2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm.

Trong bối cảnh một số cường quốc nuôi tôm như Ecuador, Ấn Độ đang có sản lượng khá tốt, và tình hình thương mại hàng hóa toàn cầu nhiều biến động, dự đoán mức tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành tôm trong giai đoạn tới có thể duy trì mức ổn định khoảng hơn 4 tỷ USD, với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Anh chiếm khoảng 3,6%.

Vân Anh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.