Cơ hội hồi sinh thị trường tôm sú

0

Sản lượng tôm sú đang tăng tại Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc. Nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định sự hồi sinh của tôm sú sẽ thành công, bởi điều đó còn phụ thuộc vào sự tiếp nhận của thị trường khi đã bị TTCT thay thế quá lâu.

Đột phá về con giống

Robins McIntosh, Phó Giám đốc Công ty Charoen Pokphand Foods (CPF) cho biết, xu hướng nuôi tôm sú đang quay trở lại nhờ các chương trình nhân giống tôm sú của CPF và Moana. Hiện, các công ty này đã gia hóa thành công tôm sú bố mẹ và tôm post với cải thiện đáng kể về tăng trưởng, tỷ lệ sống và tính đồng đều tương tự các chương trình nhân giống TTCT.

Hiện nay, cả hai công ty đã tung ra thị trường những giống tôm tăng trưởng nhanh (40 – 45 g sau 110 – 120 ngày nuôi) và khả năng thích nghi cao với dịch bệnh như EHP và APHNS. Đến nay, chương trình nhân giống của CPF và Moana vẫn tiên tiến nhất và sản phẩm đang chiếm lĩnh thị trường. Tôm sú gia hóa của hai công ty cho hiệu quả cao ở mật độ nuôi thấp (10 – 20 con/m2). Các ao đang nuôi tôm sú của CPF và Moana tại Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc chỉ yêu cầu mức độ sục khí. Người nuôi thậm chí không cần đầu tư bạt, bể xử lý chất thải và máy cho ăn tự động. Hơn nữa, chi phí vận hành thấp hơn nuôi TTCT, đối với một vụ nuôi tôm sú, nông dân cũng sử dụng ít thức ăn hơn và các đầu vào khác cũng thấp hơn.

Theo dự đoán, diện tích nuôi tôm sú của Ấn Độ sẽ tăng từ 60.000 ha năm 2022 – 2023 lên 130.000 ha vào năm 2026 – 2027 Ảnh: The Fish Site​​​

Từ năm 2019, nguồn cung tôm sú post gia hóa dồi dào hơn đã góp phần tăng sản lượng tôm thương phẩm từ 382.000 tấn lên 546.000 tấn vào năm 2021. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ đang đẩy mạnh tăng trưởng sản lượng tôm sú. Các quốc gia khác như Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Madagascar cũng tận dụng cơ hội để chạy đua sản lượng tôm sú nuôi trong các hệ thống bán thâm canh.

Theo McIntosh, những vụ nuôi tôm sú thành công với năng suất và lợi nhuận cao đã thu hút ngày càng nhiều nông dân. CPF ước tính tổng sản lượng tôm sú ở Trung Quốc đã tăng từ 100.000 tấn năm 2020 lên 150.000 tấn vào năm 2021 và 180.000 tấn năm 2022. Năm nay, Trung Quốc có thể sẽ vượt Việt Nam trở thành nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới. McIntosh dự báo lạc quan về tăng trưởng của ngành tôm sú trong vài năm tới.

Tham vọng của Ấn Độ và Indonesia

Dhaval Contractor, đồng sở hữu công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Ishi Marine Technologies, trại nuôi tôm Shree Sai Krupa Aquaculture và công ty tôm giống Vaishnavi Aquatech tại bang Gujarat, ven biển phía Tây Ấn Độ cho biết, nghề nuôi tôm sú đang hồi sinh ở Ấn Độ. Dhaval hợp tác kỹ thuật với hãng Zeigler Nutrition của Mỹ để sản xuất thức ăn cho tôm; bắt tay với Moana vào năm 2021 để sản xuất tôm sú post tại Gujarat và Andhra Pradesh. Hiện công ty đang vận hành 6 trại tôm giống và đã sản xuất hơn một tỷ tôm sú post. Thay vì nhập khẩu tôm bố mẹ trưởng thành, công ty này đầu tư xây dựng Trung tâm nhân giống tôm bố mẹ và đã được Chính phủ Ấn Độ cấp phép hoạt động. Cơ sở tôm giống Vaishnavi Aquatech đang nhập khẩu tôm post bố mẹ từ Moana ở Hawaii để nuôi dưỡng thành tôm bố mẹ thế hệ F1 cho các trại giống đã được chính phủ phê duyệt. Dhaval Contractor kỳ vọng nếu đạt mục tiêu, sản lượng tôm sú sẽ tăng từ 200.000 tấn năm 2022 – 2023 lên gần 455.000 tấn vào năm tài khóa 2026 – 2027.

Dhaval dự đoán diện tích nuôi tôm sú của Ấn Độ sẽ tăng từ 60.000 ha năm 2022 – 2023 lên 130.000 ha vào năm 2026 – 2027 và tới năm 2023 tại bang Gujarat, quy mô nuôi TTCT sẽ thu hẹp và dần trở thành thị trường ngách. Theo Dhaval, một số lượng lớn nông dân dọc bờ biển phía Tây tại bang Andhra Pradesh và phía Bắc Odisha và Tây Bengal sẽ chuyển sang nuôi tôm sú.

Bắt tay với Moana Technologies, các doanh nghiệp tại Indonesia cũng theo đuổi mục tiêu hồi sinh ngành tôm sú. Bong Tiro, chủ sở hữu nhiều trại giống tại Indonesia đang lên kế hoạch gia hóa tôm sú giống phục vụ người nuôi tôm trong nước. Hiện, vẫn còn nhiều vùng nuôi tôm quy mô lớn tại Indonesia như Kalimantan, Sulawesi và Aceh đang sản xuất tôm sú theo hướng quảng canh. Tổng diện tích nuôi tôm sú của Indonesia ước 300.000 ha nhưng sản lượng không quá 50.000 tấn. Nếu không có sẵn nguồn cung tôm sú post, sản lượng tôm thương phẩm của Indonesia sẽ khó tăng thêm. Do đó, Bong Tiro hợp tác với Moana vào năm 2019. Nhiều thử nghiệm đã diễn ra thành công ở quy mô trại nuôi quảng canh và bán thâm canh. Bong Tiro tin rằng những nông dân nuôi từng tôm sú quảng canh kém hiệu quả do thiếu nguồn tôm post sẽ sẵn sàng chuyển sang mua tôm sú post gia hóa của Bong Tiro. Bong Tiro không có ý định bán tôm giống và nauplii cho các trại giống độc lập mà sẽ tập trung hợp tác sản xuất tại các trại giống quy mô vừa và nhỏ hiện có, nhằm tránh các trại giống khác tuyên bố sản xuất tôm post từ con giống của Moana nhưng thực tế lại sử dụng tôm bố mẹ tự nhiên. Để thực hiện mô hình này, Bong Tiro tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tại công ty cùng các trung tâm nhân giống tôm bố mẹ quy mô nhỏ tại các vùng chiến lược.

Năm 2022, Bong Tiro đã nhập khẩu 3 lô tôm post bố mẹ từ Moana tại Hawaii cho Trung tâm nhân giống tôm bố tại Indonesia, trong đó những con giống đầu tiên sẽ được phân phối đến các trại giống của công ty trong tháng này. Cuối năm 2022, Bong Tiro đặt mục tiêu phân phối tôm post gia hóa cho 3 vùng chiến lược ở Indonesia. Mặc dù nhìn thấy triển vọng tích cực của ngành tôm sú vào năm 2023, nhưng Bong Tiro cho rằng, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là thu hút các nhà chế biến của Indonesia tham gia vào thị trường tôm sú và tìm kiếm khách hàng, thay vì đứng im và nghe ngóng thị trường.

Thị trường sẽ bền vững?

Các chuyên gia tại Diễn đàn tôm toàn cầu cùng nhận định rằng, ngành tôm châu Á cần phải chung tay hành động nếu muốn duy trì sức cạnh tranh với các đối thủ, đặc biệt là Ecuador. Nông dân và nhà chế biến phải thắt chặt hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thuận lợi. Đối với một số nông dân, đổi mới công nghệ nuôi là điều vô cùng cần thiết lúc này; trong khi số khác cần chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp hơn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường tôm thế giới rất khắc nghiệt và không phải thị trường nào cũng sẵn sàng trả giá cao cho mặt hàng tôm sú. Nhưng nhiều hãng nuôi tôm vẫn lạc quan về tương lai của thị trường tôm sú. Mathias Ismail, chủ sở hữu OSO, một trong những hãng sản xuất tôm sú lớn nhất Madagascar nói rằng, họ có thể bán tôm sú với mức giá cao gấp 3 lần TTCT tại Pháp. OSO và các nhà sản xuất quy mô lớn khác từ Madagascar như Unima đã nỗ lực phát triển hình ảnh và xây dựng vị thế thuộc phân khúc cấp cao cho con tôm sú Malagasy trong ngành dịch vụ ẩm thực và chuỗi bán lẻ tại đây.

Trước khi chuyển sang TTCT, các thị trường lớn của tôm sú ngoài Nhật Bản, Trung Đông và Trung Quốc còn có Mỹ và Bắc Âu. Những thị trường này tiêu thụ tôm sú HLSO và tôm thịt. Tuy nhiên, khi TTCT tràn vào, tôm sú dần bị thay thế. Thị trường tôm sú của Mỹ gần như đã biến mất hoàn toàn, còn tại Bắc Âu, tôm sú chỉ xuất hiện trong kênh dịch vụ ẩm thực của người châu Á và một số cửa hàng bán lẻ ở Bỉ và Đức. Các khách hàng ở châu Âu phần lớn cho rằng, ngay cả trong phân khúc bán lẻ hay dịch vụ ẩm thực, tôm sú cũng khó cạnh tranh về giá bán với TTCT. Thậm chí khi mức chênh lệch giá vượt quá 1 USD/kg, những “tín đồ” của tôm sú cũng sẽ cân nhắc TTCT.

Theo Jeff Stern, Giám đốc công ty Censea, nhà nhập khẩu và phân phối tôm sú lớn nhất ở Mỹ, nếu các hãng tôm sú tại châu Á không duy trì mức chênh lệch giá 1 USD với TTCT, thì họ sẽ khó trụ vững được ở thị trường Mỹ hay Bắc Âu. Thậm chí, nếu duy trì được mức chênh lệch này, thì châu Á vẫn phải tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ sang Nhật Bản, Trung Đông và Trung Quốc nếu sản lượng tăng lên 500.000 tấn. Thực tế sản lượng tôm sú sẽ tăng ở Ấn Độ và Indonesia, nhưng phong trào nuôi tôm sú sẽ sớm tàn nếu người nuôi, nhà sản xuất thức ăn, hãng chế biến và công ty nhập khẩu không thắt chặt hợp tác để phát triển thị trường.

Đan Linh (Tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.