Trong thời gian hoạt động ứng cử Đại biểu Quốc hội tại tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam – TS Nguyễn Việt Thắng đã có liên tiếp những chuỗi sự kiện: gặp gỡ, trao đổi với nông ngư dân, doanh nghiệp… và báo cáo lãnh đạo tỉnh.
Tham dự hội thảo góp ý kiến xây dựng hoàn thiện Dự án Cải tiến nghề lưới kéo Bến Tre
Ngày 12/5/2016, tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Palace Đồng Khởi, thành phố Bến Tre, TS Nguyễn Việt Thắng đã tham dự và chủ trì hội thảo góp ý kiến xây dựng hoàn thiện Dự án Cải tiến nghề lưới kéo Bến Tre do Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Dịch vụ và Phát triển cộng đồng nông ngư nghiệp Việt Nam (FACOD) phối hợp với Nhóm đối tác Hỗ trợ dự án (FIPs) và Sở NN&PTNT Bến Tre tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Việt Thắng đã phân tích làm rõ thêm mục tiêu của dự án và yêu cầu các đại biểu dựa vào kết quả đầu ra của các hợp phần dự án tập trung thảo luận phân tích, điều chỉnh, bổ sung cho các hoạt động trên lĩnh vực cải tiến nghề lưới kéo, nhằm hướng đến mục tiêu của dự án là đạt yêu cầu phát triển bền vững, được chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, xây dựng thành công chuỗi giá trị, kết nối thị trường nhằm mang lại lợi ích cho ngư dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản, xây dựng hoàn thiện mô hình thí điểm của cả nước làm cơ sở để triển khai nhân rộng.
Tham gia thảo luận cùng hợp phần 1: Tăng cường nhận thức và năng lực tổ chức, hoạch định Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng cho rằng nên cơ cấu những thành phần và phân công nhiệm vụ quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả cho việc triển khai thực hiện và hoạch định hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển bền vững nghề lưới kéo.
Thăm Cảng cá Ba Tri
Tiếp tục chuỗi hoạt động tại Bến Tre, ngày 13/5/2016, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam – TS Nguyễn Việt Thắng đã đi thăm Cảng cá Ba Tri.
Trao đổi với Ban quản lý Cảng về những vấn đề bức xúc của Cảng cá hiện nay như: quy mô quá chật hẹp và bố trí các hạng mục công trình vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động; môi trường trên, dưới bến cũng chưa được giải quyết tốt; ngư dân chưa có điều kiện tham gia liên kết chuỗi sản xuất, hoàn toàn lệ thuộc vào nậu vựa; công nhân lao động chủ yếu là dưới dạng hợp đồng công nhật với các chủ tàu, chủ nậu vựa, thiếu nơi neo đậu tàu sau khi về bến vì rạch Bà Hiền đã cạn chưa có kinh phí để nạo vét, không có điều kiện mở rộng, Cảng cá bị bao bọc chung quanh bởi các cơ sở cố định khác như Đồn Biên phòng, Xí nghiệp chế biến Thủy Đặc sản, khu vực làng nghề chế biến thủy sản và chợ An Thủy…
Theo đánh giá chung, Quy hoạch để di dời Cảng cá là phương án tốt nhất để Cảng cá có thể hoạt động tốt hơn trong thời gian tới và dự án FIPs sẽ hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng chuỗi liên kết và nâng cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động nghề cá trên tàu và trên Cảng, xây dựng mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội và hiệu quả quản lý phát triển bền vững nghề cá…
Thăm Xí nghiệp Chế biến Thủy Đặc sản Ba Tri (BT Seafood)
Sau khi rời Cảng cá Ba Tri, TS Nguyễn Việt Thắng đã đến thăm Xí nghiệp Chế biến Thủy Đặc sản Ba Tri.
Đây là cơ sở do Công ty SEAPRODEX liên kết với tỉnh xây dựng từ những năm 1985 và giao cho Xí nghiệp Chế biến Thủy Đặc sản quản lý sản xuất cho đến nay. Những mặt hàng chủ lực của Xí nghiệp trong thời gian đầu mới thành lập như là mắm ruốc, cá thu mặn, mực khô, tôm khô, nghêu khô, tiêu thụ nội địa. Năm 1986, Xí nghiệp đã đầu tư công nghệ thiết bị sản xuất các mặt hàng thủy đặc sản đông lạnh xuất khẩu như nghêu, tôm, mực, bạch tuộc, ếch, lươn, ghẹ…
Thuận lợi của Xí nghiệp là sử dụng nguồn lao động tại chỗ và được áp dụng chính sách thuế của địa phương; mặc dù là Chi nhánh của Công ty CP Thủy Đặc sản Thành phố HCM nhưng vấn đề thách thức của Xí nghiệp hiện nay là hạn chế về năng lực tiếp thị, tìm kiếm thị trường nên chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng và gia công sản phẩm cho các khách hàng quen thuộc. Rất cần sự hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết nguồn nguyên liệu và liên kết thị trường để có thể mở rộng sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho công nhân.
Thăm Làng nghề chế biến thủy sản khô truyền thống xã An Thủy, huyện Ba Tri
Đến thăm Chi hội Làng nghề Chế biến thủy sản khô truyền thống An Thủy, gặp gỡ Ban quản lý Chi hội, Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng đã lắng nghe những niềm vui và cả những bức xúc của Chi hội.
Chi hội vui vì đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể Hội Thủy sản tỉnh cho các sản phẩm tôm khô, cá khô của Làng nghề và đang được Hội Thủy sản tỉnh hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay các hội viên trực tiếp làm ra sản phẩm phải bán lại sản phẩm cho bạn hàng với bất kỳ giá nào do không thể bảo quản sản phẩm để chờ giá và cũng không có điều kiện để tiếp thị giới thiệu sản phẩm. Mong ước của Chi hội là được các tổ chức chính phủ, phi chính phủ sớm hỗ trợ một kho lạnh để bảo quản sản phẩm và một cửa hàng để quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đã chân thành chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của Chi hội và cũng như các đơn vị. Tất cả những vấn đề này đã được Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam ghi nhận bổ sung vào chương trình hành động và tập hợp ý kiến đề xuất cho lãnh đạo địa phương. Với riêng Chi hội Làng nghề An Thủy, Chủ tịch giao Hội Thủy sản Bến Tre tiếp tục xây dựng dự án kêu gọi đầu tư của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ có sự hỗ trợ của Hội Nghề cá Việt Nam.
Thăm ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản bằng lưới đáy tại khu vực ấp 7, xã BãoThạnh, huyện Ba Tri
Sáng ngày 14/5/2016 Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam- Ts Nguyễn Việt Thắng đã đến thăm bà con ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản bằng lưới đáy tại khu vực ấp 7, xã BãoThạnh, huyện Ba Tri. Tại đây Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam và Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh đã lắng nghe bà con ngư dân phản ánh về tình hình sản xuất của bà con. Hiện tại nghề khai thác bằng lưới đáy không hiệu quả do lòng sông và cửa sông đã bị thu hẹp dần bởi những hộ từ nơi khác đến thuê bãi bồi để nuôi sò huyết, họ san lấp lấn dần các bãi bồi ven sông ra phía lòng sông và cửa sông nên sông không còn tôm cá vào kiếm ăn như trước đây; các hộ nuôi tôm thì do tình hình biến đổi khí hậu nắng nóng, độ mặn cao dài ngày khiến tôm chết hết phải bỏ ao nuôi đi làm thuê kiếm sống; riêng chị em phụ nữ thì lại càng khó khăn hơn ngoại trừ một số chị em còn trẻ tuổi có thể tìm xin việc ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, số chị em còn lại ở lứa tuổi trung niên phải chịu cảnh thất nghiệp vì không có chỗ để làm thuê trong khi tư liệu sản xuất thì không có gì ngoài cái nền nhà và mấy sào đáy ngoài song.
Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam ghi nhận ý kiến phản ánh của bà con, chân tình chia sẻ trước những khó khăn chung của địa phương , giao cho Hôi Thủy sản Bến Tre tích cực phối hợp với các đoàn thể của địa phương tìm dự án để hỗ trợ sinh kế cho bà con.
Thăm Trại nuôi tôm của Cty TNHH CP NTTS Việt Nga tại xã Bão Thuận, huyện Ba Tri
Cũng trong ngày Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam – TS Nguyễn Việt Thắng đã đến thăm Trại nuôi tôm của Cty TNHH NTTS Việt Nga tại xã Bão Thuận, huyện Ba Tri. Tại đây Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đã lắng nghe Ông Egor, Giám đốc Công ty TNHH CP NTTS Việt Nga trình bày về những thuận lợi và khó khăn của Trại nuôi hiện nay. Trao đổi góp ý với Công ty về những giải pháp kỹ thuật, giải pháp bố trí nhân sự, những quy định mang tính pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, an tòan sức khỏe tôm nuôi, về các mối liên kết cần thiết đối với một trang trại nuôi tôm hiện đại như Trại nuôi tôm của Công Ty TNHH CP NTTS Việt Nga.
Kết thúc chuyến thăm Trại nuôi tôm Việt Nga, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam đã gặp gở Bí thư huyện Ủy và với đại diện Ủy ban MTTQVN huyện Ba Tri và các xã trong huyện để phản ánh về các vấn đề trên và hứa sẽ ghi nhận bổ sung vào Chương trình hành động trong thời gian sắp đến.
Ngày 15/5/2016 kết thúc đợt gặp gỡ, vận động bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV tại Bến Tre, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam – TS Nguyễn Việt Thắng đã rời tỉnh Bến Tre trở về TP HCM để tiếp tục nhiệm vụ .
PV