Trước những thách thức của ngành tôm hiện nay, nhiều địa phương không ngừng thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị để phát triển ổn định, bền vững. Khi liên kết được thiết lập, có thể tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ rủi ro, đảm bảo sự cân bằng của quá trình sản xuất, giảm bớt tình trạng “được mùa, mất giá”.
Đặc biệt quan tâm
Liên kết trong sản xuất và kinh doanh luôn là hướng đi được khuyến khích phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Những năm qua con tôm đã đem lại giá trị cao, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi tôm phải gánh chịu nhiều rủi ro liên quan đến dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán không ổn định người nuôi liên tục thua lỗ, thậm chí phải “treo ao”.
Liên kết chuỗi góp phần giảm thiểu nhiều khâu trung gian, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm. Ảnh: PTC
Để vượt qua thách thức trên, người nuôi cần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, từng bước hình thành các mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Song, muốn có kỹ thuật, người nuôi sẽ cần tới sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị có kỹ thuật, nắm rõ quy trình kỹ thuật và điều kiện để con tôm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong xuất khẩu. Do đó, củng cố và phát triển mạnh chuỗi liên kết là vấn đề được ngành chức năng, doanh nghiệp và người nuôi đặc biệt quan tâm.
“Chuyển mình” bắt kịp xu thế
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc liên kết sản xuất thời gian qua đã mang lại hiệu quả khả quan. Bởi mặc dù đang đối diện khó khăn quá lớn nhưng Việt Nam vẫn duy trì được sản lượng tôm các năm qua. Đó là ít nhiều nhờ vào các mô hình chuỗi liên kết sản xuất do các mắt xích con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm; giúp người nuôi thiếu vốn, hạn chế hiểu biết kỹ thuật có thể duy trì hoạt động nhưng ở cấp độ được kiểm soát rủi ro tốt hơn hẳn.
Trong chuỗi liên kết, người nuôi tôm được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc từ doanh nghiệp với mức giá ưu đãi; đồng thời bán trực tiếp con tôm cho doanh nghiệp chế biến, đóng gói. Qua đó đã góp phần giảm thiểu nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ uy tín, nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp trong ngành đã “chuyển mình” bắt kịp với xu thế.
Nhiều năm gần đây, một số doanh nghiệp như C.P. Việt Nam, Grobest, Uni President, Thăng Long, Vĩnh Thịnh… đã triển khai thực hiện mô hình liên kết hiệu quả, đóng góp con số hàng trăm nghìn tấn tôm cho sản lượng chung cả nước. Ngoài ra còn có các chuỗi liên kết ngắn hơn nhưng cũng rất thiết thực như cung ứng sản phẩm đầu vào cho người nuôi kèm sự hỗ trợ về quy trình và giải pháp kỹ thuật, xử lý lúc cần thiết.
Nhiều rào cản
Thời gian qua, nhiều địa phương không ngừng thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nhằm đưa ngành tôm phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Tuy nhiên, qua triển khai, việc liên kết chuỗi là không hề dễ dàng.
Tỷ lệ các hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất thấp so với tỷ lệ số hộ và diện tích nuôi; đa số các chuỗi liên kết quy mô nhỏ và chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Năng lực của các chủ thể trong liên kết chưa thực sự mạnh, nhất là các tổ hợp tác, hợp tác xã; việc liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm chủ yếu là do các doanh nghiệp lớn chủ đạo…
Một vấn đề khác cũng làm cho tổ hợp tác, hợp tác xã hay người nuôi chưa thể liên kết bền vững với doanh nghiệp chính là ở yếu tố vốn. Trong khi các tổ hợp tác, hợp tác xã và người nuôi phần lớn đều thiếu hụt nguồn vốn, thì các doanh nghiệp cung ứng đầu vào như: thức ăn, con giống, thuốc thú y… phần lớn chỉ chấp nhận các hình thức khuyến mãi, giảm giá, chứ không chấp nhận bán nợ, nên họ buộc phải chọn đại lý để có đủ nguồn vật tư phục vụ nghề nuôi.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm – Giám đốc hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Việc liên kết chuỗi tôm rất khó, một công ty, doanh nghiệp không thể bao tiêu hết toàn bộ lượng tôm của hợp tác xã. Khi hợp tác xã lên tôm, doanh nghiệp ký hợp đồng lại mua với giá thấp hơn những doanh nghiệp không ký hợp đồng. Chính vì vậy, các thành viên không đồng ý bán. Vì thế, hợp tác xã phải ký hợp đồng với nhiều công ty để tìm đầu ra cho các thành viên. Đây là một thực tế mà nhiều năm liền hợp tác xã chưa thực hiện chuỗi giá trị tôm một cách hoàn chỉnh”.
Hài hòa lợi ích
Có thể thấy, liên kết chuỗi từ đầu vào đến đầu ra là xu hướng tất yếu để phát triển ngành tôm tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Tuy vậy, giải pháp quan trọng để duy trì và phát huy tốt chuỗi liên kết ngành hàng đối với con tôm rất cần sự phối hợp hài hòa giữa cả người nuôi và doanh nghiệp trên tinh thần cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro nếu có.
Theo ngành chức năng, để thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ ngành tôm ngày càng hiệu quả, các địa phương cần quan tâm triển khai tổ chức sản xuất tôm thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy liên kết, phát triển vùng nguyên liệu tôm. Xây dựng thí điểm Trung tâm Logistics thủy sản cho hợp tác xã trong liên kết với các hợp tác xã khác. Tạo vùng nguyên liệu tôm ổn định, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc phục vụ khâu sơ chế, chế biến theo mô hình Trung tâm Logistics của hợp tác xã.
Riêng các nhà máy chế biến, ngoài chủ động xây dựng vùng nguyên liệu của chính công ty, cần tăng cường các hợp đồng liên kết với các trang trại, các tổ hợp tác, hợp tác xã để vừa tạo được một sự phát triển hài hòa, nhịp nhàng từ khâu nuôi đến chế biến.
Đối với người nuôi, phải thật sự quyết tâm tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng kế hoạch sản xuất bài bản, cụ thể, sao cho thực sự có sự liên kết, kết nối giữa các thành viên về mặt khoa học kỹ thuật để tạo ra được khối lượng hàng hóa vừa lớn, vừa chất lượng phục vụ việc thu mua, chế biến của các nhà máy.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị: Các địa phương cần quan tâm đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL chú trọng đến việc xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh; đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi, Logistics, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số…
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu
Tập trung đẩy mạnh liên kết
Thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND các cấp, đơn vị… tập trung đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản, tập trung là lúa và tôm, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững; Tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá, tự động hoá dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản
Phải trên tinh thần tự nguyện
Để xây dựng được chuỗi liên kết thì giữa các bên phải hoàn toàn tự nguyện cùng ngồi vào bàn bạc với nhau thì mới thực hiện được, cùng chia sẻ, biết rủi ro ở đâu để tránh. Làm liên kết chuỗi phải trên tinh thần tự nguyện, các bên phải có cùng quan điểm, công khai minh bạch, tin tưởng nhau.
Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Các bên tham gia cần coi trọng “chữ tín”
Các doanh nghiệp tham gia ký kết cần chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm, đặc biệt các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào nhằm đưa ra giải pháp kỹ thuật cụ thể giúp giảm giá thành sản phẩm. Để mô hình liên kết hợp tác sản xuất thành công, các bên tham gia cần coi trọng “chữ tín”, thắt chặt chuỗi liên kết, đảm bảo tính ổn định và hiệu quả cho nghề nuôi tôm trong cơ chế thị trường hiện nay.
Nam Cường
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn