Chung tay cùng ngành thủy sản

0

Trải qua hơn 20 năm hợp nhất và phát triển, trải qua 4 kỳ đại hội, Hội Nghề cá Việt Nam vẫn luôn chứng tỏ được vai trò “bà đỡ” của nông dân, ngư dân trên cả nước. Bước sang thời kỳ mới, cùng với những thay đổi mang tính đột phá của ngành thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đang tích cực tự đổi mới mình, nâng cao tầm ảnh hưởng cũng như tăng hiệu quả trong mọi hoạt động, điều này được thực hiện từ văn phòng Trung ương đến các hội thành viên.

Ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam

Bên cạnh những điểm sáng tiếp tục phát huy thời gian tới thì cá nhân tôi có mong muốn Hội Nghề cá Việt Nam trong nhiệm kỳ mới phải thực sự là một “Hội nghề nghiệp”, thể hiện qua việc: Phần lớn nông dân – ngư dân làm thủy sản biết về Hội là tổ chức nghề nghiệp có thể đại diện cho ngành nghề liên quan của họ. Trước hết cần đấu tranh để có tên Hội là “Hội Thủy sản” để ai cũng hiểu; tham mưu chính sách và đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tất cả hội viên (nông dân – ngư dân, doanh nghiệp…) một cách quyết liệt đến cùng, chủ động đi trước và có hiệu quả (đạt được mục tiêu); tập hợp được nhiều hơn nữa những hội viên (nhất là doanh nghiệp trong ngành dù là trong hay ngoài nước) có thực lực, tâm huyết để làm hạt nhân thúc đẩy Hội có nhiều hoạt động mạnh mẽ, đa dạng, có tiếng nói uy tín và có nguồn lực hoạt động. Muốn làm như thế thì Hội Nghề cá Việt Nam cần đổi mới tư duy phát triển Hội theo hướng nào (xu hướng, nhu cầu, khu vực, ngành hàng, thế mạnh của Hội…)? Cùng đó, thiết lập các mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động, tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự lãnh đạo, quản lý phù hợp với chiến lược phát triển mới, tích cực vận động các hội viên mạnh, uy tín, tâm huyết tham gia.

Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp

 Quá trình hoạt động của Hội thời gian qua tuy còn nhiều khó khăn nhưng với vai trò và trách nhiệm của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đại diện cho cộng đồng, Ban Chấp hành Hiệp hội đã nỗ lực phấn đấu dốc hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ theo chức trách. Làm tốt vai trò cầu nối chính sách, pháp luật, khoa học – công nghệ, thông tin thị trường; cầu nối giữa người sản xuất với các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà hỗ trợ để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong sản xuất kinh doanh, giúp tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, liên kết chặt chẽ giữa các khâu, các ngành trong chuỗi giá trị sản phẩm và giữa hội viên với các chi hội, giữa doanh nghiệp với người sản xuất, giữa người sản xuất và giữa doanh nghiệp với nhau, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Chủ động và tích cực tham gia phối hợp cùng với ngành và địa phương góp phần hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành thủy sản theo mục tiêu ổn định, bền vững và gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam

Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản, Văn phòng Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam Nha Trang kiến nghị Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam một số nội dung sau: Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có chính sách hỗ trợ cước phí giám sát hành trình tàu cá theo kết luận của Thủ tướng; Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại có giải pháp hỗ trợ vay vốn tín dụng, gia hạn nợ để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất, nhập khẩu thủy sản để duy trì hoạt động, ổn định sản xuất và có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản; hỗ trợ các ngư dân, lao động biển bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản sớm triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử.

Ông Vương Văn Oanh, Hội Nghề cá Quảng Ninh

Sau 20 năm hoạt động, Hội Nghề cá Quảng Ninh đã khẳng định được vai trò với hội viên, nông dân, ngư dân và các tổ chức doanh nghiệp thủy sản trong toàn tỉnh. Đến nay, Hội đã có hàng chục người là giám đốc các doanh nghiệp – trực tiếp chỉ đạo sản xuất, chủ tàu khai thác hải sản tham gia Ban Chấp hành Hội. Chính vì vậy, Hội luôn nắm bắt được kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ngư dân, đặc biệt là những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất để kịp thời đề xuất, tháo gỡ. Hội kính đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục bổ sung cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với đặc thù nghề cá, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất; Hội Nghề cá Việt Nam tích cực tham gia phản biện xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và ngư dân.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau

Những năm qua, tình hình kinh tế – xã hội diễn biến vô cùng phức tạp, kinh tế thế giới và trong nước biến động khó lường. Đại dịch COVID-19 gần như không bỏ sót một lãnh thổ, quốc gia nào, rồi đến chiến sự Nga – Ukraine kéo giá xăng, dầu lên ngất ngưởng đã và đang gây bất lợi cho sản xuất và đời sống của người dân nhất là những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nghề thủy sản. Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến tôm nuôi, có lúc tôm thương phẩm không có người mua, nếu mua giá rất thấp, ngược lại vật tư nguyên liệu đầu vào luôn tăng làm cho người dân sản xuất không có lợi nhuận và lỗ vốn. Do vậy, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn để tái sản xuất, trợ giá nguyên vật liệu cho người trực tiếp sản xuất.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi

Quảng Ngãi hiện có 4.560 tàu cá có đăng ký, tổng công suất là 1.794.602 CV, trong đó có trên 3.000 tàu có khả năng đánh bắt xa bờ. Từ năm 2011, thực hiện Quyết định 48 của Thủ tường Chính phủ hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá khai thác vùng biển xa đã có tác dụng to lớn trong việc động viên ngư dân đóng mới cải hoán tàu công suất lớn để đánh bắt dài ngày trên vùng biển xa, vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa tăng sự hiện diện của ngư dân ta trên vùng biển xa, vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, ngư dân ta có biểu hiện trục lợi khá phổ biến khi thực hiện chính sách này. Nhiều ngư dân chỉ đưa tàu cá ra tới ngoài ranh giới vùng biển xa, neo vật vờ đánh bắt cho có lệ, cho đủ ngày rồi nhắn tin về bờ cho đủ thủ tục quy định rồi trở về bờ cũng được hỗ trợ tiền chi phí nhiên liệu chuyến biển. Điều này gây lãng phí ngân sách Nhà nước, tạo ra sự không công bằng giữa ngư dân đi đánh bắt thật sự và ngư dân chỉ đi ra khơi hành nghề “nhắn tin”. Vì vậy, Hội Nghề cá Quảng Ngãi đề nghị Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 38/2013/QĐ-TTg ngày 16/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng hỗ trợ chi phí nhiên liệu theo chiều dài của tàu, phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017 và theo số ngày hiện diện thực tế trên các vùng biển xa.

Hồng Hà

 (Ghi)

Leave A Reply

Your email address will not be published.