Chủ động các phương án ứng phó trước khi bão TRAMI đổ bộ

0

Để chủ động ứng phó với bão TRAMI (sắp trở thành Cơn bão số 6 trên Biển Đông), Bộ NN&PTNT cùng nhiều tỉnh thành đã yêu cầu các đơn vị chủ động phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân đặc biệt là hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo khẩn

Ngày 22/10/2024 Bộ NNPTNT  có Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh/ thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ, ngành về việc ứng phó với bão TRAMI gần biển Đông.

Bộ đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Thành phố Naga ở tỉnh Camarines Sur (Philippines) bị ngập lụt do mưa lớn liên tục và gió mạnh do bão TRAMI. Ảnh: ABS-CBN News

Thành phố Naga ở tỉnh Camarines Sur (Philippines) bị ngập lụt do mưa lớn liên tục và gió mạnh do bão TRAMI. Ảnh: ABS-CBN News

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo. Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Nghệ An: Chủ động các phương án đảm bảo an toàn

Theo đó, trên biển cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Được biết, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) có hơn 25 km đường bờ biển; trên 1.000 phương tiện đánh bắt, khai thác thủy, hải sản, trong đó có hơn 500 phương tiện tàu, thuyền đánh cá của ngư dân chuyên đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu ở các xã Diễn Ngọc, Diễn Thành, Diễn Bích… Ngày 22/10, ngư dân, chủ tàu, thuyền đã nắm được thông tin, diễn biến, hướng đi của bão. Trong sáng 23/10, phần lớn các chủ tàu, thuyền có công suất lớn tạm ngừng ra khơi, cho phương tiện neo đậu ở các bến bãi trong sông, lạch. Các tàu, thuyền, bè mảng công suất nhỏ, đánh bắt vùng lộng, đi về trong ngày vẫn khai thác.

Tuy nhiên, chính quyền xã khuyến cáo, trong quá trình khai thác trên biển, chủ tàu, thuyền viên phải đảm bảo thường xuyên giữ mối liên lạc với người nhà, hội viên Nghiệp đoàn nghề cá để trao đổi, nắm rõ thông tin thời tiết, chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm và sớm vào đất liền khi lực lượng chức năng yêu cầu.

Bình Thuận: Chủ động ứng phó trước bão

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương ven biển chủ động triển khai các biện pháp ứng phó trước dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.

Cụ thể, yêu cầu các đơn vị, địa phương ven biển, nhất là các huyện, thị xã, thành phố ven biển cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển; các địa phương cũng cần thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; đồng thời, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Ngoài ra, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phối hợp với các đồn Biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển để có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; đảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển.

Khánh Hòa: Tập trung ứng phó bão TRAMI

Sáng 23/10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn đến các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão TRAMI.

Trong đó, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động ứng phó mưa lớn diện rộng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất theo công điện ngày 22/10 của tỉnh. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân theo Phương án đã được phê duyệt, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản…

Đồng thời, tổ chức hướng dẫn di chuyển, gia cố lồng, bè, bảo đảm an toàn nhằm hạn chế thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn người dân và phương tiện đi lại, du lịch tự phát, đánh bắt thủy sản trên sông, suối, ao, hồ; quản lý trẻ em trong những ngày mưa lũ để đảm bảo an toàn; vận động người dân vùng ngập chủ động kê cao tài sản, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Tàu thuyền trong các vùng nguy hiểm có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Ngày 22/10, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là TRAMI (bão Trà Mi). Khoảng chiều 24/10, bão TRAMI có khả năng di chuyển vào Biển Đông.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7. Từ sáng 24/10 tăng lên cấp 8-9 (62-88km/h), vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m; biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo từ ngày 26-28/10, trên khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của cơn bão này. Do vậy, chính quyền và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo mới nhất về bão TRAMI trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Thùy Khánh (Tổng hợp)

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.