Khu vực Tây Nam bộ có 7/13 tỉnh, thành phố có ranh giới giáp biển bao gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, và Kiên Giang. Với đội tàu đánh bắt cá xa bờ chiếm gần 30% của cả nước, thời gian qua, việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp đã được các tỉnh khu vực này tích cực triển khai có hiệu quả.
Tiền Giang
Toàn tỉnh Tiền Giang có tổng số tàu cá là 1.270 tàu/404.245kW, với hơn 9.000 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Trong đó, 6 đến dưới 12 m có 42 tàu, với 120 thuyền viên; 12 đến dưới 15 m có 228 tàu, với 866 thuyền viên; 15 m trở lên có 1.000 tàu, với 8.110 thuyền viên. Loại nghề khai thác phát triển mạnh nhất của tỉnh là lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng. Ngư trường khai thác chủ yếu ở vùng Biển Đông Nam bộ, Trường Sa, DK1.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, từ năm 2023 đến nay, Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài do khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ. Địa phương đã thực hiện tốt về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá (100% tàu cá hoạt động được kiểm tra đủ điều kiện, được kiểm soát hằng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá…).
Các địa phương vùng Tây Nam bộ đang nỗ lực cùng cả nước đưa hoạt động khai thác thủy sản vào nề nếp. Ảnh: Phương Vy
Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện tốt, đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác (không có hồ sơ sai sót phải giải trình); triển khai đồng bộ phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản khai thác, nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhằm minh bạch thông tin tại địa phương.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm trên địa bàn Tiền Giang được bảo đảm như: xác minh, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định. Tất cả tàu tham gia khai thác xa bờ đều lắp VMS và duy trì khi hoạt động. Công tác cập rời cảng chấp hành tốt, bảo đảm thủ tục đầy đủ khi đi khai thác như giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, ghi nhật ký khai thác đã trở thành quen thuộc đối với bà con ngư dân.
Từ khi Luật thủy sản năm 2017 có hiệu lực, Tiền Giang cùng với cả nước tập trung quyết liệt trong công tác tuyên truyền, quản lý chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững. Địa phương đã xây dựng chương trình truyền thông chống khai thác thủy sản bất hợp pháp thực hiện theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tốt Luật Thủy sản năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Thủy sản.
Bạc Liêu
Để chung tay cùng cả nước thực hiện các khuyến nghị của EC, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đảm bảo hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến tại các cửa biển, kiên quyết không cho ra biển hoạt động đối với các tàu cá “3 không”; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS. Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố ven biển và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để siết chặt quản lý tàu cá. Đặc biệt là những tàu cá nhiều năm không về địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Ông Trần Xí Khuôl, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, Bạc Liêu đang tăng cường kiểm tra, đối chiếu số liệu danh sách tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng với danh sách tàu cá cập, rời cảng. Đồng thời, kiểm tra công tác thu, phát nhật ký khai thác thủy sản, kết hợp ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU thành lập đoàn để thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển tỉnh Bạc Liêu…
Bến Tre
Tỉnh Bến Tre có 2.768 tàu cá đăng ký hoạt động, giảm 670 tàu so với năm 2022. Số tàu đã đăng kiểm đạt 83,73%. Tỷ lệ tàu lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá đạt 98,45%.
Để thực hiện tốt quy định IUU, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các ngành, các địa phương ven biển tiếp tục duy trì các biện pháp đã và đang thực hiện trong thời gian qua; trong đó, triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và các tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU. Chú trọng công tác quản lý, giám sát tàu cá trên biển, đặc biệt rà soát tàu “3 không”.
Chủ trương của tỉnh là kiên quyết không cho tàu cá chưa đảm bảo điều kiện đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác ra khơi. Tăng cường công tác điều tra, xác minh xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU; giám sát tàu cá qua cảng, chuẩn bị điều kiện đưa Cảng cá Ba Tri vào hoạt động; đồng thời tập trung hoàn thành các nội dung liên quan để phục vụ Đoàn thanh tra EC vào Việt Nam, dự kiến vào giữa năm nay.
Trà Vinh
Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh có 276 tàu cá thuộc diện phải lắp đặt VMS, đến nay số tàu đã lắp đặt 252 tàu. Còn lại 24 tàu chưa lắp do bị chìm, hư hỏng nằm bờ, bán sang tỉnh khác chưa sang tên… địa phương đã lập danh sách theo dõi, quản lý.
Tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, kiểm soát tàu cá mất kết nối VMS trên biển; tàu cá vi phạm sai vùng, tuyến khai thác; ghi và kiểm soát nhật ký khai thác phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản… Đến nay, tỉnh Trà Vinh không có tàu cá vượt ranh giới và vi phạm vùng biển nước ngoài.
UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ tàu cá lắp đặt VNS, đến nay đã thẩm định và xét duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 194 chủ tàu cá, với số tiền trên 1,8 tỷ đồng.
Với chiều dài đường biển trên 735 km và hơn 150 hòn đảo, thềm lục địa cho đánh bắt thủy sản gấp 2 lần đất liền, khu vực Tây Nam bộ là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, đặc biệt là vùng có ngư trường rộng, giàu sản lượng hải sản tự nhiên của cả nước.
Hải Lý (Tổng hợp)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn