Theo báo cáo từ ProChile, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Chile trong tháng 9/2024 đạt 621 triệu USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá hồi di cư và cá hồi không di cư, chiếm phần lớn giá trị kim ngạch, đạt 465 triệu USD, giảm 2,4%. Trong khi đó, bột cá chứng kiến mức giảm mạnh nhất, giảm 37,9%, xuống còn 26 triệu USD.
Nhiều sản phẩm khác cũng sụt giảm đáng kể, gồm cá sòng giảm 5,7%, còn 20 triệu USD; dầu cá giảm 30,8%, còn 16 triệu USD; nhím biển giảm 40%, còn 10 triệu USD và cá tuyết đại dương giảm 29,9%, còn 5 triệu USD.
Dù tổng kim ngạch giảm, một số sản phẩm lại ghi nhận mức tăng đáng chú ý. Xuất khẩu vẹm xanh tăng 14,6%, đạt 21 triệu USD; mực nang tăng 20,7%, đạt 13 triệu USD và cá tuyết Hake tăng mạnh 36,4%, đạt 9 triệu USD. Ngoài ra, cua hoàng đế tăng 4,6%, đạt 8 triệu USD và Carrageenan, chất phụ gia chiết xuất từ rong biển tăng 7,1%, đạt 7 triệu USD.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Chile trong tháng 9, với giá trị đạt 97 triệu USD, tăng 8,7%, chiếm 15,6% tổng kim ngạch. Sự tăng trưởng chủ yếu đến từ cá hồi (tăng 30,4%, đạt 77 triệu USD) và mực nang (tăng 104,2%, đạt 2 triệu USD).
Tây Ban Nha cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt 25 triệu USD (tăng 43,3%), chiếm 4% tổng xuất khẩu. Các mặt hàng chính gồm cá tuyết Hake (tăng 55,1%, đạt 6 triệu USD), mực nang (tăng 97%, đạt 6 triệu USD) và vẹm xanh (tăng 60,5%, đạt 5 triệu USD).
Xuất khẩu thủy hải sản Chile tại Nigeria đạt mức tăng kỷ lục, lên tới 502,2%, với giá trị 10 triệu USD. Kết quả này chủ yếu nhờ xuất khẩu cá sòng tăng hơn 5.000%, đạt 10 triệu USD, cùng với cá hồi tăng 24%, đạt 11.000 USD.
Ngược lại, một số thị trường trọng điểm ghi nhận sự giảm sút, đặc biệt là Mỹ, thị trường lớn nhất của Chile, giảm 5,3%, xuống còn 221 triệu USD. Các thị trường khác như Brazil giảm 0,7%, còn 61 triệu USD; Trung Quốc giảm 13,6%, còn 53 triệu USD; Nga giảm 48,1%, còn 23 triệu USD và Mexico giảm 7,3%, còn 14 triệu USD cũng ghi nhận mức giảm tương tự.
Lan Khuê (Theo UCN)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn