Nuôi ốc bươu đen trong mương vườn, ao sen từ lâu đã được nhiều nông dân thực hiện và thành công. Một thanh niên ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, còn sáng tạo hơn thế khi nuôi ốc trong 4 bể bạt với tổng diện tích chưa đầy 24 m2, nhưng lại có thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi tháng.
Đó là anh Lê Minh Tuấn, Phó Bí thư Ðoàn phường Tân Phú, quận Cái Răng và mô hình kinh tế hiệu quả này đã được anh thực hiện hơn 1 năm qua.
“Làm chơi ăn thiệt” là cách nói vui của nhiều người khi nhìn thấy 4 bể bạt đặt trước sân nhà anh Tuấn. Thấy bà con miền Tây nuôi ốc bươu đen trong mương vườn, anh Tuấn lên mạng internet tìm học thêm kinh nghiệm và bắt tay thực hiện với sáng tạo riêng. Khung bể bạt được anh tận dụng từ sắt phế liệu của gia đình, chỉ tốn tiền mua bạt nhựa về làm thân bể với chi phí chưa đến 1 triệu đồng. Mỗi bể có diện tích chừng 6 m2, cao 1m và nước đổ vào bể cao chừng 0,5m. Vậy là “nhà” cho ốc bươu đen đã hoàn thành.
Anh Tuấn chăm sóc ốc trong bể bạt.
Con giống ốc bươu đen được anh Tuấn bắt trong vườn nhà để gây giống dần. Hiện nay, anh đã chủ động được nguồn giống và còn cung ứng ra thị trường để chia sẻ nghề “làm chơi ăn thiệt” này. Theo anh Tuấn, ốc nuôi trong bể bạt rất dễ chăm sóc, không tốn chi phí lại dễ dàng theo dõi quá trình phát triển của ốc. Ðiều chú ý là khi thả ốc vào bể, không thả trực tiếp xuống mặt nước mà nên thả trên một tấm xốp nổi, để ốc tự bò xuống nước, như vậy sẽ hạn chế gần như tuyệt đối tỷ lệ hao hụt.
Ðể tạo thức ăn và môi trường sống thuận lợi cho ốc, trong bể được anh Tuấn thả trồng nhiều loại thủy sinh như lục bình, bèo, rau muống đồng… Thức ăn cho ốc rất dễ dàng và không tốn tiền: vỏ trái cây, rau củ… là món “khoái khẩu” của ốc. Nước trong bể bạt được thay mỗi tuần, theo đường thoát đã lắp cố định nên dễ thực hiện. Một bí quyết nữa được anh Tuấn chia sẻ là để vào trong mặt bể những miếng xốp nổi để ốc đẻ trứng lên trên, giúp giảm tối đa tỷ lệ hao hụt so với khi ốc đẻ trứng trực tiếp lên mặt bèo, thân lục bình…
Trứng ốc sau khi khô ráo được anh Tuấn thu hoạch cho vào rổ để ấp theo kiểu “cách thủy”. Nghĩa là, rổ trứng ốc được đặt cách mặt thau nước chừng 1 – 2 cm, phía trên phủ khăn lông và thỉnh thoảng xịt nước nhẹ trên mặt khăn. Cứ như vậy ốc sẽ nở và tự bò xuống thau nước, anh Tuấn thu hoạch ốc con và thả vào bể bạt nuôi. Hiện tại anh Tuấn dành 2 bể để nuôi ốc sinh sản và 2 bể còn lại dùng nuôi ốc thương phẩm.
Chi phí đầu tư, quy trình chăm sóc ốc bươu đen trong bể bạt rất đơn giản và tốn ít thời gian nhưng hiệu quả kinh tế khả quan. Dù chỉ thử nghiệm với 4 bể bạt chưa đầy 24 m2, nhưng anh Tuấn đã có thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi tháng từ bán ốc thương phẩm, với giá bán ổn định từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng mỗi ký. Ngoài ra anh Tuấn còn bán trứng ốc làm giống cho những ai có nhu cầu nuôi, giá 1,2 triệu đồng/kg. Với 1kg trứng ốc, người nuôi sẽ có một lượng ốc rất lớn và thu nhập mau hơn nhiều so với tự kiếm nguồn ốc giống trong môi trường tự nhiên. Anh Tuấn cho biết thêm: “Do mới thử nghiệm nên quy mô nuôi còn ít, nhiều thương lái đến mua ốc thường xuyên nhưng không có nguồn để bán. Từ đó cho thấy triển vọng khá tốt của mô hình này”.
Chị Bùi Phương Loan, Bí thư Ðoàn phường Tân Phú, quận Cái Răng, chia sẻ: “Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ốc trong bể bạt của anh Tuấn, chúng tôi đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong phường đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Qua khảo sát, một số đoàn viên, thanh niên muốn thực hiện mô hình, chúng tôi sẽ hỗ trợ để mô hình được nhân rộng”.
Tin, ảnh: Ðăng Huỳnh
Nguồn: Báo Cần Thơ