Các nhà khoa học Ấn Độ đã phát triển giống tôm càng xanh kháng bệnh mới, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi thủy sản ở bang Assam.
Najimuddin Ali, một nông dân nuôi cá chép ở Ấn Độ trong các ao rộng 4 ha ở huyện Kamrup, bang Assam phía Đông Bắc Ấn Độ suốt 9 năm qua, đã mạo hiểm chuyển sang nuôi ghép cá chép với tôm càng xanh cải tiến di truyền (GI). Anh hồ hởi khoe lợi nhuận đã tăng nhanh tới 50.000 Rs, khoảng 600 USD.
Một trong những con tôm càng xanh được cải tiến về mặt di truyền của ICAR-CIFA. Ảnh: Gurvinder Singh
Tháng 9/2023, Najimuddin Ali thả khoảng 180 con cá chép cùng 2.000 tôm càng xanh. Anh tiến hành thu hoạch tôm vào tháng 3/2024 với giá bán 1.200 Rs/kg (14,37 USD), lợi nhuận cao hơn hẳn nghề nuôi cá trước đây nên quyết định tiếp tục mở rộng diện tích.
Trong khi đó, một nông dân khác trong vùng, anh Sahjhan Ali thả 1.850 con tôm càng xanh và 200 con cá trôi Ấn Độ vào tháng 9/2023. Tỷ lệ chết khoảng 20% nhưng Sahjhan vẫn thu lợi nhuận 48.000 Rs (575 USD) và đang tiếp tục tìm mua thêm tôm giống để mở rộng diện tích.
Những giống tôm càng xanh mà Najimuddin Ali và Sahjhan Ali đang nuôi do Viện Nuôi trồng thủy sản nước ngọt Ấn Độ (ICAR-CIFA) phát triển. Tiến sĩ Pratul Barman, cán bộ phát triển thủy sản huyện Kamrup cho biết, địa phương có nhu cầu tiêu thụ tôm rất lớn mặc dù sản lượng chỉ đạt khoảng 26 tấn trong năm 2023 – 2024, thấp hơn so với mức 41 tấn của năm trước.
Ông giải thích, sản lượng giảm do nguồn cung con giống hạn hẹp hoặc giao hàng chậm trễ từ các bang ven biển như Odisha, West Bengal và Andhra Pradesh. Ấu trùng tôm phải trải qua 11 giai đoạn trong môi trường nước mặn mới có thể đảm bảo sống sót ở giai đoạn nước ngọt. Trước đó, ICAR-CIFA đã cố gắng phát triển tôm trong nước lợ nhân tạo ở Assam nhưng không thành công.
Tiến sĩ Pratul Barman chia sẻ thêm, giống tôm GI đạt kích thước trung bình 80 g trong 10 tháng, trong khi giống tôm thông thường chỉ đạt 60 g với thời gian tương tự. Ngoài ra, chủng tôm mới không chỉ có khả năng kháng bệnh mà tỷ lệ chết cũng thấp hơn. Giống tôm này lý tưởng cho cả hệ thống nuôi ghép và nuôi độc canh, giúp nông dân tăng thu nhập nhanh.
ICAR-CIFA đã phát triển giống tôm càng xanh mới CIFA-GI vào năm 2021 nhằm nâng cao năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Ngoài tính trạng tăng trưởng tốt, tôm CIFA-GI có tỷ lệ sống cao ở hầu hết môi trường.
Assam có tiềm năng phát triển nuôi tôm nước ngọt nhờ nguồn tài nguyên nước phong phú. Đây cũng là bang đầu tiên ở Đông Bắc Ấn Độ nuôi thử nghiệm tôm càng xanh CIFA-GI trong các ao có diện tích 0,15 – 0,25 ha với mật độ 10.000 PL/ha và kích cỡ tôm ban đầu 0,02 g. ICAR-CIFA đã chọn 5 trang trại làm cơ sở nhân giống tôm CIFA-GI để cung cấp cho nông dân.
Trong năm 2023, WorldFish Ấn Độ đã hợp tác với Phòng thủy sản bang Assam để giới thiệu mô hình nuôi ghép tôm nước ngọt với cá chép. Đây là một phần dự án APART do Ngân hàng thế giới tài trợ tại 5 huyện Kamrup, Nalbari, Morigaon, Darrang, và Goalpara. Trong dự án này, mỗi huyện sẽ lựa chọn 12 – 25 nông dân để thành lập hợp tác xã và tiến hành nuôi tôm trên diện tích 5 ha. Chính quyền địa phương cho hay, phương pháp này giúp mỗi nông dân đạt sản lượng trung bình 60 kg tôm và 500 kg cá, thu nhập khá.
Dũng Nguyên (Theo Aquaculture)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn