Chi phí thức ăn cho tôm sú vào khoảng 50 – 60% trong tổng chi phí nuôi. Do đó, cho ăn hiệu quả sẽ cải thiện quá trình sản xuất, nâng cao lợi nhuận đồng thời giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường của vùng nuôi.
Cách cho ăn
– Thức ăn ở dạng bột mịn thường được khuyến cáo sử dụng cho tôm 7 – 10 ngày tuổi. Khi cho ăn cần tắt quạt nước, sau đó tạt xuống ao sao cho cách bờ từ 2 – 4 m.
Sử dụng sàng ăn khi tôm được 20 – 30 ngày tuổi. Ảnh: Shutterstock
– Thức ăn ở dạng hạt nhỏ được sử dụng cho tôm nuôi sau 10 ngày tuổi, thức ăn được cho vào sàng và đặt cách quạt khoảng 12 – 15 cm, đảm bảo cứ mỗi 1.600 – 2.000 m² sẽ đặt một sàng ăn.
– Đối với tôm sau 15 ngày tuổi, bên cạnh thức ăn công nghiệp, cần bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất hay chế phẩm vi sinh để tăng cường sức đề kháng và tăng khả năng sống cho ao tôm.
– Liều lượng khuyến cáo: Đối với tôm sú sau khi thả xuống ao liều lượng quy định là 1,2 – 1,5 kg/100.000 con giống, cứ sau 2 ngày sẽ tăng lên tầm 0,2 – 0,3 kg/100.000 con giống. Tôm mới thả nên cho tôm ăn từ 5 – 6 bữa một ngày, sau khi tôm được 30 ngày tuổi nên cho ăn 4 bữa một ngày. Liều lượng có thể điều chỉnh giảm xuống khi các yếu tố thời tiết, pH hay chất lượng nước trong ao có vấn đề.
– Trong 2 tháng đầu, thức ăn nên rải ở vùng nước gần bờ 3 – 4 m; từ tháng thứ 3 trở đi, thức ăn được rải khắp ao; tránh rải thức ăn nơi đáy ao bẩn và không sát bờ; kích cỡ viên thức ăn phải phù hợp với kích cỡ tôm; khi chuyển đổi thức ăn phải chuyển từ từ để tôm thích nghi; Nên bổ sung định kỳ thường xuyên Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng chất, bổ gan,… cho tôm ngay từ giai đoạn đầu; trong chu kỳ lột xác của tôm cần giảm thức ăn 20 – 25% trong 2 – 3 ngày; nếu mưa liên tục nhiều ngày, cần giảm 10 – 20% lượng thức ăn.
– Cho tôm ăn đủ chất, đủ lượng theo 4 định: Định chất, định lượng, định thời gian, định địa điểm một cách linh hoạt giúp tôm lớn nhanh, khỏe mạnh, giảm ô nhiễm môi trường cho ao nuôi và tiết kiệm chi phí thức ăn.
Quản lý thức ăn
Việc theo dõi lượng thức ăn cho tôm là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong quản lý thức ăn, điều chỉnh lượng thức ăn cung cấp cho tôm hàng ngày thường căn cứ vào trọng lượng tôm trong ao. Do vậy, việc đầu tiên của người nuôi tôm là phải thường xuyên kiểm tra trọng lượng, kích cỡ của tôm trong ao nuôi, giúp người nuôi điều chỉnh thức ăn hợp lý tránh tình trạng thiếu hoặc dư thừa thức ăn gây ô nhiễm đáy ao cũng như lãng phí thức ăn.
Thông thường khi tôm còn nhỏ khoảng từ 20 – 30 ngày tuổi thì bắt đầu dùng sàng (thường gọi là vó hay nhá) để kiểm tra thức ăn. Ở mỗi ao, nhằm đảm bảo độ chính xác cao người nuôi cần đặt từ 2 – 4 sàng ăn. Kích thước của mỗi sàng ăn thường 0,8 x 0,8 (m), vị trí đặt sàng ăn cách bờ ao khoảng 1,5 m, đặt khoảng cách đều nhau tùy vào số lượng sàng ăn. Tỷ lệ thức ăn trong sàng thường là 2 – 3% lượng thức ăn của một lần ăn vào các sàng, thời gian kiểm tra sàng ăn phụ thuộc vào độ tuổi cũng như kích cỡ tôm.
Khi tôm lớn, có trọng lượng 7 – 10 g/con việc kiểm tra khả năng bắt mồi của tôm thường kết hợp giữa kiểm tra lượng thức ăn còn lại trong sàng sau 1,5 – 2 giờ cho ăn và dùng chài để kiểm tra. Để xác định khả năng bắt mồi của tôm cần thông qua kiểm tra lượng thức ăn trong bộ phận tiêu hóa và định kỳ chài tôm để lấy mẫu kiểm tra, căn cứ vào quan sát bằng mắt thường và lượng tôm chài được có thể ước lượng được tỷ lệ sống và trọng lượng cá thể của tôm trong ao, từ đó có thể tính được lượng thức ăn cần cho tôm ăn.
Bích Hòa
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn