Cà Mau: Quảng bá thương hiệu tôm sinh thái

0

Với tiềm năng và lợi thế, Cà Mau đã mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất tôm, nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường. Đặc biệt, phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái, giúp người dân nâng cao thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm tôm sạch, chất lượng để xuất khẩu và hơn thế còn tạo ra giá trị về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng tầm vị thế tôm Cà Mau.

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới luôn tăng trưởng nhưng đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu cũng vì thế mà ngày càng khắt khe hơn. Theo đánh giá, năng suất nuôi tôm của Việt Nam tuy chưa thể so với một số nước như Ecuador hay Ấn Độ nhưng về chất lượng tôm đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Thương hiệu tôm Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng đang dần được xây dựng vững chắc nhờ điểm nhấn tôm sinh thái.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua kinh tế thủy sản luôn là thế mạnh của tỉnh, mà tạo ra giá trị lớn nhất là mặt hàng tôm. So với cả nước, Cà Mau đứng đầu về diện tích nuôi tôm và sản lượng, khi diện tích nuôi chiếm 40%, và sản lượng tôm chiếm đến 22%. Hiện đã ổn định diện tích nuôi tôm 280.000 ha, sản lượng tôm nuôi đạt trên 220.000 tấn. Đây được xem là mô hình nuôi tôm sú cho chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có khoảng 50.000 ha mô hình lúa – tôm, cũng giúp tạo ra sản phẩm tôm sú có chất lượng cao. Tôm sú Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như: ASC, BAP, GlobalGAP… Với lợi thế về diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước, thời gian qua, sản lượng và giá xuất khẩu tôm của Cà Mau luôn đứng đầu cả nước. Không chỉ có tiếng ở thị trường trong nước, sản phẩm tôm sú Cà Mau đã được xuất khẩu qua 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Là địa phương có lợi thế phát triển tôm sinh thái nhất tại tỉnh Cà Mau, huyện Ngọc Hiển có diện tích nuôi tôm sinh thái đạt khoảng 20.000 ha. Hiện tại, các tổ chức quốc tế đã chứng nhận 9.300 ha với hơn 1.800 hộ nuôi. Thời gian qua, huyện luôn kêu gọi doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với hộ nuôi tôm sinh thái trên địa bàn, nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra giúp nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm sinh thái. Nhờ đó, mô hình nuôi tôm sinh thái từng bước đạt được hiệu quả tích cực. Năm 2022, năng suất bình quân đạt từ 200 – 220 kg/ha/năm, tăng từ 20 – 40 kg/ha/năm so với năm 2021.

Tôm sinh thái là một tiềm năng, lợi thế để ngành thủy sản Cà Mau phát triển, gia tăng giá trị. Ảnh: Diệu Lữ

Hiện, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có 3 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái gồm: Công ty CP xã hội chuỗi tôm – rừng Minh Phú, Công ty XNK Thủy sản Camimex Cà Mau và Công ty XNK Thủy sản Seaprimexco Năm Căn. Các công ty thu mua tôm sú của hộ dân theo giá thị trường và có chính sách hỗ trợ dành riêng cho các hộ đạt chứng nhận quốc tế nhằm nâng cao lợi nhuận, tạo động lực giúp họ phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Ngọc Hiển phấn đấu tất cả diện tích tôm – rừng trên địa bàn huyện được các tổ chức chứng nhận đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái.

Ngày 28/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm sú Cà Mau cho ba doanh nghiệp Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú và Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau.

Mới đây, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ, Đoàn công tác tỉnh Cà Mau do ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã phối hợp với Tổ chức Seafood Watch (SFW) tổ chức Hội nghị “Tôm sú bền vững từ Việt Nam” tại Boston, Mỹ. Nhân dịp này, ông Lê Văn Sử đã đề xuất SFW tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ngành tôm sú Cà Mau một số vấn đề, như: Đề nghị SFW tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh đã có vùng nuôi được đánh giá, xếp hạng xanh tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh bán sản phẩm tôm sú đã được xếp hạng xanh theo tiêu chuẩn của SFW sang thị trường Mỹ. Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức tập huấn về các tiêu chí, nền tảng phần mềm đánh giá xếp hạng của SFW để vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình và hỗ trợ các doanh nghiệp đã tham gia đẩy nhanh tiến độ xếp hạng, trước tiên là đối với các vùng nuôi tôm sú đã đạt chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế khác. Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi khảo sát, đánh giá các vùng nuôi tôm sú Cà Mau trên cơ sở nền tảng ứng dụng đã được SFW tập huấn, hướng dẫn nhằm gia tăng số hộ nuôi tôm sú đạt mức xếp hạng xanh theo tiêu chuẩn của SFW.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đề xuất SFW phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu, các nhà mua, người tiêu dùng và các tổ chức tài chính khác vận động thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nuôi tôm sú bền vững, nhằm giúp đỡ cho cộng đồng nuôi tôm sú bền vững của Việt Nam, cũng như các nước khác trên thế giới. Phối hợp cùng với ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau và các doanh nghiệp đánh giá, báo cáo tình hình hoạt động, qua đó đề xuất định hướng phát triển đối với hoạt động của Liên minh tôm sạch đã thành lập tại Cà Mau.

>> Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký ban hành Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2023” với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đặc biệt là Festival Tôm – Cà Mau 2023 sẽ tổ chức trong tháng 12 với chủ đề “Cà Mau chung tay nâng tầm tôm Việt”, gồm các hoạt động như: Tổ chức các diễn đàn, hội thảo; tổ chức các không gian triển lãm, kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau và các tỉnh, thành, khu vực trên cả nước; một số hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Chương trình văn nghệ lễ khai mạc và bế mạc Festival, Hội thi ẩm thực các món ăn được chế biến từ tôm, Không gian lễ hội ẩm thực thủy sản Cà Mau.

Hải Lý

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.