Bỏ lợn nuôi ếch cho thu nhập ổn định

0

Nhận thấy chăn nuôi lợn ngày càng khó khăn do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giá thức ăn cao, đầu ra không ổn định nên anh Ngô Văn Hiếu ở thôn Na Trung (xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) quyết định chuyển sang nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, gia đình anh Ngô Văn Hiếu đầu tư nuôi lợn theo quy mô nông hộ. Tuy nhiên, do lợn thường xuyên bị dịch bệnh, giá cả lúc thấp lúc cao, nhất là có những năm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, với điều kiện chăn nuôi nông hộ rất khó để tái đàn vì mầm bệnh vẫn tồn tại trong môi trường nên phải bỏ trống chuồng cả mấy năm. Chính vì vậy, anh đã quyết định thí điểm mô hình nuôi ếch thịt thương phẩm.

cải tạo chuồng lợn bỏ trống để nuôi ếch Thái Lan

Anh Ngô Văn Hiếu ở thôn Na Trung (xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã cải tạo chuồng lợn bỏ trống để nuôi ếch Thái Lan

“Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, cả đàn lợn của gia đình đã phải tiêu hủy vì bị dịch. Sau khử trùng vệ sinh chuồng trại, tôi đã tái đàn trở lại nhưng tiếp tục gặp thất bại. Không còn mặn mà vì chăn nuôi lợn thua lỗ liên tục, tôi đã trăn trở quyết tìm hướng phát triển kinh tế mới. Qua nhiều kênh thông tin, nhận thấy mô hình nuôi ếch Thái Lan được nuôi hiệu quả ở miền nam. Mô hình này không cần nhiều diện tích, ít tốn công chăm sóc, có thể cải tạo lại khu chuồng nuôi lợn cũ để nuôi nên tôi đã mạnh dạn khăn gói vào miền Nam học hỏi”, anh Hiếu cho biết.

Đầu năm 2020, anh Hiếu bắt đầu cải tạo toàn bộ ô chuồng trước đây chăn nuôi lợn, đầu tư thêm các hệ thống ống cấp thoát, lọc nước để nuôi ếch Thái Lan. Sau vài vụ đầu, thấy ếch phát triển tốt, thị trường khá thuận lợi, anh Hiếu đã mở rộng quy mô. Hiện tại, trang trại nuôi ếch của anh Hiếu có 8 bể , diện tích mỗi bể 8 m², thả nuôi hơn 8.000 con ếch giống.

Để giảm chi phí từ việc mua con giống, anh Hiếu đã vừa nuôi ếch thương phẩm vừa học cách nhân giống, trước hết cung cấp cho chính trang trại của mình, sau đó có thể cung cấp cho nhiều người dân có nhu cầu. Với sự cần mẫn và chăm chỉ, anh Hiếu đã thành công khi cho ếch đẻ và ương ếch giống.

Theo tính toán của anh Hiếu, mỗi lứa ếch thương phẩm nuôi 3 tháng, trọng lượng đạt 200 – 250 gam/con là có thể thu hoạch. Với cách nuôi cuốn chiếu, mỗi năm anh Hiếu xuất bán hơn 2 tấn ếch thương phẩm với giá giao động 60.000 – 70.000 đồng/kg. Ngoài ra anh còn cung ứng cho thị trường trên 4.000 con ếch giống/năm với giá 2.500 đồng/con. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh có lãi từ 200 – 250 triệu đồng/năm.
“Đối với nuôi ếch, vốn đầu tư ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm sóc và cho ếch ăn không mất nhiều thời gian, có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi trong ngày. Với 8 bể nuôi như hiện tại, mỗi ngày chỉ tốn 2 tiếng đồng hồ để chăm sóc và cho ăn. quan trọng đây là loài thủy đặc sản lưỡng cư có thịt thơm, ngon, bổ dưỡng đang được thị trường ưa chuộng, là món đặc sản của các nhà hàng nên hiện đầu ra khá thuận lợi, giá bán rất ổn định.

Mô hình nuôi ếch

Mô hình nuôi ếch phù hợp quy mô nông hộ, hạn chế ô nhiễm môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao

Điều lưu ý khi nuôi đối tượng này là mật độ vừa phải, khoảng 80 – 100 con/m²; giống phải đồng đều, sau 7 – 9 ngày từ khi thả giống cần phải phân cỡ lựa đàn không để nuôi chung, con lớn sẽ ăn con nhỏ gây thất thoát, nếu không gian quá hẹp và mật độ quá dày cũng khiến ếch dễ bị chết. Đặc biệt không được để ếch đói, phải dọn vệ sinh thay nước hàng ngày để ếch không bị dịch bệnh.

Sau nhiều năm nuôi lợn theo quy mô nông hộ vừa bị dịch bệnh, vừa gây ô nhiễm mỗi trường xung quanh, tôi thấy nghề nuôi ếch này rất phù hợp với gia đình. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chú trọng sản xuất con giống để cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu nuôi ếch và mở rộng quy mô nuôi ếch thương phẩm để phục vụ nhu cầu cho khách hàng”, Anh Hiếu chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch cho biết, thời gian qua, do dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp, một số người dân đã chuyển hướng phát triển kinh tế từ việc tận dụng lại chuồng nuôi lợn cũ. Trong đó, mô hình nuôi ếch của anh Hiếu cho thấy rất hiệu quả, mở ra triển vọng mới cho nông dân địa phương.

Chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ dân học tập mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới mẻ để vừa tạo việc làm, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân vùng nông thôn, đồng thời giảm dần chăn nuôi lợn quy mô nông hộ để hạn chế ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý, khi mở rộng mô hình, người nuôi cần nuôi đúng thời điểm, mùa vụ, nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật từ khâu chọn giống, phòng trị bệnh và chăm sóc; nắm bắt nhu cầu thị trường để phát triển quy mô hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Hoàn

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.