Tình hình sản xuất thuỷ sản trên toàn tỉnh Bình Thuận từ đầu năm đến nay duy trì ổn định, ngư trường khai thác tương đối thuận lợi, riêng quý III tốc độ tăng chậm lại đôi chút do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Theo Cục Thống kê Bình Thuận, diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng 9 năm 2024 ước đạt 237,5 ha, tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 2.006,4 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá ước đạt 1.401 ha, tăng 2,1%; diện tích nuôi tôm đạt 528 ha, tăng 3,35%. Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 1.136 tấn, tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại ước đạt 639 tấn, tăng 2,08%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 480 tấn, tăng 2,35%. Lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 7.206 tấn, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại ước đạt 3.565,8 tấn, tăng 2,65%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 3.491,7 tấn, tăng 1,64%.
Sản lượng thuỷ sản khai thác trong 9 tháng năm 2024 ổn định do thời tiết và ngư trường tương đối thuận lợi; tuy nhiên trong quý III bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên khai thác gặp khó khăn. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 21.661 tấn, tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 178.155,3 tấn, tăng 1,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khai thác biển ước đạt 177.743 tấn, tăng 1,25%. Khai thác thuỷ sản nội địa giảm do diện tích mặt nước ngày càng thu hẹp, các loại thuỷ sản được khai thác ở các sông, suối đầm hồ thuỷ lợi chủ yếu là các loại cá rô, lóc, trạch, trê, tôm, cua.
Tình hình sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh ổn định so với năm trước; sản lượng tôm giống trong tháng ước đạt 2 tỷ con, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 16,8 tỷ con, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục quản lý, ngăn chặn tàu nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; đến nay không có tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tỉnh cũng đã hoàn thành rà soát, thống kê tàu cá “03 không”, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản còn hạn 5.473/6.924 tàu cá (đạt 79,1%), đăng kiểm 3.244/3.851 tàu cá từ 12 m trở lên (đạt 84,2%), xóa đăng ký 19 tàu cá, cấp chứng nhận/cam kết ATTP 2.538 tàu cá (đạt 37,4%); lắp đặt thiết bị VMS cho 1.943/1.951 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên (đạt 100% tàu cá hoạt động), tiếp tục phát huy hệ thống giám sát tàu cá trong giám sát, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm khai thác nguồn lợi thủy sản tiếp tục được tăng cường, theo thống kê đến hết tháng 9 vừa qua, lực lượng kiểm ngư đã phát hiện, chuyển cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã xử lý 372 vụ với số tiền 2,9 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Thuận là một trong những ngư trường lớn của cả nước với tiềm năng nuôi biển rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài thì nhu cầu tiêu thụ thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, có xu hướng thay thế và giảm áp lực cho khai thác thủy sản. Hiện nay, nghề nuôi biển của Bình Thuận tập trung tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Phú Quý và thành phố Phan Thiết, đối tượng con nuôi chủ yếu là cá bớp, cá chim, cá bè quỵt, ốc hương, bào ngư, sò, cá mú, tôm hùm…
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, xuất phát từ những yêu cầu thực tế, việc thực hiện “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là rất cần thiết. Thời gian tới, ngành thủy sản của tỉnh sẽ giảm mạnh phương tiện khai thác thủy sản vùng ven bờ, góp phần giải quyết bài toán chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng trên biển mang tính bền vững hơn. Nuôi trồng trên biển cũng chính là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh thái đang ngày bị cạn kiệt bởi việc khai thác quá mức của con người.
Minh Khuê
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn