Với 3 điểm nghẽn mà phía EC đưa ra thì Bình Thuận là một trong những địa phương thực hiện khá tốt, khi tiên phong ban hành Chỉ thị 30 liên quan đến công tác chống khai thác IUU từ năm 2018. Trong 6 năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã kiên trì, nỗ lực, quyết tâm để ngành khai thác thủy sản phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm.
Về kiểm soát tàu cá vi phạm nước ngoài, tỉnh đã lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư. Đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao, được đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt.
Cùng với cả nước, tỉnh Bình Thuận đang dốc lực triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng chống khai thác IUU. Ảnh: Nguyễn Phương
Ngoài ra, địa phương đã hoàn thành 100% việc lắp thiết bị VMS và sử dụng dữ liệu phục vụ theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai nghiêm túc đợt cao điểm tổng rà soát, thống kê, phân loại, sàng lọc tàu cá “3 không” đến từng thôn, xã vùng biển trong tỉnh đồng thời triển khai quyết liệt việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác. Do đó, Bình Thuận cũng là 1 trong những tỉnh tiên phong hoàn thành việc đăng ký tạm thời số lượng lớn tàu “3 không”, khi tỉnh có số lượng tàu “3 không” nhiều nhất nước với hơn 2.000 chiếc.
Đặc biệt, Bình Thuận chưa phát hiện trường hợp tàu cá có hành vi gửi/giấu thiết bị giám sát hành trình khi đang hoạt động trên biển. Riêng tình trạng mất kết nối VMS, tỉnh đã rà soát và giám sát chặt những trường hợp vi phạm và sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Theo quy định mới, đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng từ 500 – 700 triệu đồng để tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng úp nồi cơm hay che thiết bị, ngắt kết nối thiết bị để trốn tránh quy định này.
Ngày 21/5/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3481/VPCP-NN gửi các bộ, ngành, địa phương kết quả làm việc của Đoàn công tác Bộ NN&PTNT với EC về chống khai thác IUU. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có ý kiến giao Sở NN&PTNT chủ trì, cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan quán triệt sâu kỹ nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Công văn nêu trên. Chủ động rà soát toàn bộ những nhiệm vụ được giao cho địa phương để chủ động tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2024, Bình Thuận đã thống kê được 6.080 lượt tàu cập cảng, 6.552 lượt tàu rời cảng; thực hiện giám sát 10.259 tấn sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thu 2.750 sổ nhật ký khai thác/4.279 lượt tàu cập cảng bốc dỡ sản phẩm (đạt 64,2%); cấp 15 giấy xác nhận/159,9 tấn hải sản; 32 giấy chứng nhận/349 tấn nguyên liệu hải sản. Tất cả các lô hàng thủy sản xác nhận, chứng nhận đến nay đều thông quan, chưa có hồ sơ vướng mắc bị trả về.
Tính đến ngày 28/5/2024, toàn tỉnh có 1942/1942 tàu cá đang hoạt động lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 100%. Song song với việc triển khai lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng Trung tâm dữ liệu và các Trạm dữ liệu giám sát tàu cá trong hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, Bình Thuận có 23 lượt tàu cá vượt ranh giới, trong đó năm 2023 có 22 lượt tàu cá. Chi cục Thủy sản đã kịp thời phối hợp với địa phương và lực lượng Biên phòng tổ chức làm việc với chủ tàu yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam, đồng thời lập biên bản xử lý theo quy định…
Sáng 29/5, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc tại Cảng cá Phan Thiết về công tác chống khai IUU, để chuẩn bị cho đợt làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5. Theo đó, tại cảng cá Phan Thiết, Đoàn đã tiến hành kiểm tra hồ sơ lưu trữ cũng như quy trình thực hiện các bước giám sát IUU tại cảng. Như: Kiểm tra việc truy xuất nguồn gốc thủy sản thông qua thiết bị giám sát hành trình, theo dõi, giám sát tàu cá ra, vào cảng, vấn đề xử lý tàu cá vi phạm quy định IUU…
Đồng thời, Đoàn cũng đã làm việc với Ban đại diện Kiểm soát nghề cá tỉnh để kiểm tra công tác phối hợp thực hiện giám sát sản lượng qua cảng, việc tàu cá thông báo trước 1 giờ trước khi cập cảng, cập bến cá; các tàu cá thuộc danh sách IUU thì xử lý ra sao; phối hợp đối chiếu dữ liệu VMS, việc thu nộp nhật ký khai thác…
Làm việc tại Trung tâm Giám sát tàu cá tỉnh đặt tại Chi cục Thủy sản, Đoàn cũng kiểm tra các thủ tục hành chính liên quan, quy trình vận hành và giám sát tàu cá thông qua hệ thống VMS; cách xử phạt khi phát hiện tàu cá vi phạm IUU, cách quản lý tàu cá nguy cơ cao vượt ranh giới cho phép…
Từ tháng 10/2023 đến nay, tỉnh Bình Thuận có 43 tàu cá mất kết nối 10 ngày không đưa tàu cá vào bờ theo quy định. Chi cục Thủy sản tỉnh đã xác minh xử lý 24 vụ còn lại 19 tàu đang tiếp tục xác minh xử lý theo quy định.
Vân Anh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn