Bình Thuận dồn lực chống khai thác IUU

0

Qua hơn 1 năm tập trung triển khai thực hiện khuyến nghị của EC sau đợt thanh tra tại Việt Nam lần thứ 4 (tháng 10/2023), đến nay Bình Thuận đã thực hiện khối lượng công việc khá lớn, bước đầu đạt được kết quả quan trọng theo các yêu cầu, chỉ tiêu đề ra, góp phần cùng cả nước trên hành trình gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm nay.

Sự vào cuộc quyết liệt

Tại kỳ họp thứ 28 (chuyên đề) – HĐND tỉnh khóa XI mới đây, đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phí thuê bao VMS trên địa bàn tỉnh. Đây là chính sách mang ý nghĩa lớn góp phần ngăn chặn, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và khuyến khích ngư dân bám biển vươn khơi. Nhờ giám sát chặt chẽ nhóm tàu nguy cơ cao, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, Bình Thuận đã nỗ lực thực hiện công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác cho tàu cá “3 không” đạt trên 95,3%. Tỷ lệ tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 8.241 tàu cá được đăng kiểm (gồm: 4.266 tàu từ 6 – <12 m, 1.976 tàu từ 12 – <15 m, 1.999 tàu từ 15 m trở lên); cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn 7.101 tàu (đạt 86,3%), đăng kiểm 3.269/3.973 tàu cá chiều dài từ 12 mét trở lên (đạt 82,3%). Ngoài ra, công tác kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến và triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) có tiến bộ. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của các ngành chức năng, các địa phương.

tuyên truyền

Tuyên truyền đến ngư dân các chính sách và Luật Thủy sản 2017.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu theo khuyến nghị của EC, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 1.084 tàu cá chưa thực hiện thủ tục để cấp, cấp lại giấy phép; 135 tàu cá “3 không” chưa hoàn thành việc đăng ký. Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS trên biển còn phổ biến, chưa được khắc phục. Ngoài ra, số lượng tàu cá cập cảng bốc dỡ sản phẩm còn thấp, tỷ lệ sản lượng kiểm soát qua cảng chưa cao. Công tác xử lý vi phạm hành chính, nhất là xử lý tàu cá mất kết nối VMS trên biển chưa có sự tiến bộ. Đặc biệt, tiến độ triển khai các dự án khắc phục hạ tầng cảng cá, nạo vét luồng, xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá có cố gắng, nhưng vẫn chậm.

Để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5 (dự kiến trong tháng 11/2024), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các ngành chức năng, nhất là các cơ quan, đơn vị chuyên môn và các địa phương vùng biển bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, rà soát, tập trung các nguồn lực khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác chống IUU.

Tập trung các nhiệm vụ còn lại

Trọng tâm nhất là quản lý chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao, không để tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Song song đó, phải hoàn thành đăng ký cho nhóm tàu cá “3 không” đã được UBND tỉnh công bố, trước ngày 20/11/2024, đồng thời khẩn trương rà soát, nắm chắc toàn bộ tàu cá “3 không” còn sót để xử lý theo quy định và đôn đốc các tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có/hết hạn giấy phép khai thác thực hiện các thủ tục để cấp lại, kiểm soát chặt chẽ, không cho xuất bến đi khai thác. Đặc biệt, tập trung giải quyết các hạn chế, bất cập trong việc ghi nhật ký khai thác của ngư dân. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn trực tiếp tại cảng cá, mở các lớp tập huấn tại địa bàn nghề cá trọng điểm; xây dựng các bảng hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu để in, cấp phát cho ngư dân, cấp giấy chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm cho tàu cá để đảm bảo điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, gắn với triển khai hệ thống eCDT hiệu quả, khả thi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh phải tập trung hoàn thành việc xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối VMS trên biển (trên 10 ngày, 6 giờ) từ tháng 10/2023 đến nay, hoàn thành trước ngày 30/11/2024. Từ nay trở đi, đối với tàu cá mất kết nối VMS phát sinh trong tháng phải xác minh, xử lý dứt điểm ngay trong tháng đó. Các lực lượng chức năng (Biên phòng, Kiểm ngư, Văn phòng kiểm soát nghề cá) tiếp tục tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, tại các bến tạm, bãi ngang để phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Đối với các dự án khắc phục hạ tầng cảng cá, nạo vét luồng, xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá, yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định pháp luật và tổ chức thi công, triển khai dự án đảm bảo tiến độ đề ra. Đặc biệt tập trung, khẩn trương hoàn thành gói thầu nạo vét vùng nước trước bến cập tàu 400 CV – Cảng cá La Gi và hạng mục phòng cháy, chữa cháy công trình Mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá cửa biển La Gi để sớm đưa vào khai thác, sử dụng…

Đối với các vướng mắc liên quan đến việc đồng bộ dữ liệu thiết bị VMS lên hệ thống như: Tàu cá mua và chuyển hạn ngạch từ các tỉnh đã lắp đặt thiết bị VMS nhưng chưa được cập nhật dữ liệu lên hệ thống do các tỉnh chưa xóa dữ liệu và chuyển thông tin tàu trên hệ thống. Hoặc thiết bị VMS ngư dân mua từ các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, nhưng không đủ điều kiện để đồng bộ lên hệ thống… yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, xử lý dứt điểm, trường hợp cần thiết, tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTT và các tỉnh để phối hợp giải quyết.

Minh Vân

Nguồn: Báo Bình Thuận

Leave A Reply

Your email address will not be published.