Bình Phước nhiều lợi thế phát triển mô hình nuôi thả cá tự nhiên

0

Tỉnh có hơn 26.000 ha diện tích ao đầm tự nhiên, nước đầu nguồn trong sạch, phù hợp cho cá lăng sinh sống và phát triển.

Bình Phước có 3 con sông lớn chảy qua, 3 hồ thủy điện và hơn 60 hồ chứa của các công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ.

Để phát triển nguồn lợi thủy sản, tỉnh đã phê duyệt chương trình phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đơn vị thực hiện là Trại giống cây trồng và vật nuôi thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trung bình mỗi năm, trại cung cấp 9-10 tấn cá các loại phục vụ việc tái tạo nguồn thủy sản, cũng như cung cấp cá cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

bình phước lợi thế nuôi cá tự nhiên

Hộ ông Nguyễn Bằng Bổng, ấp 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng tiếp nhận và thả 5 tạ cá trong hồ. Ảnh: Báo Bình Phước

Trại giống cây trồng và vật nuôi xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú hiện sản xuất được khoảng 2,5 tạ giống cá các loại mỗi tháng, cung cấp cho một số hộ nuôi thả tại địa phương.

Ông Nguyễn Bằng Bổng, ngụ ấp 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng có kinh nghiệm 11 năm nuôi, chủ yếu các loại cá trắm, rô phi, chép. Nguồn thức ăn cho cá từ chất thải của trại heo và rau cỏ dại quanh ao. Mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch 40-50kg cá các loại bán cho người dân trong vùng.

Từ đầu năm 2023 đến nay trại giống đã tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản được gần 20.000 con cá lăng, hơn 2.600 kg cá truyền thống thả xuống các khu vực thuộc hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng. Trại cũng đã hỗ trợ công tác khuyến ngư cho 14 tổ nghề cá; hỗ trợ 15 xã trên địa bàn tỉnh 1.500 kg cá rô phi, trắm, chép; xây dựng 2 mô hình nuôi cá rô phi đơn tính; một mô hình nuôi cá mặt nước lớn; hình thành chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm thủy sản lồng bè, mặt nước lớn.

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cho hay, mục tiêu của chương trình là duy trì, phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Chương trình cũng giúp người dân sống ở các làng bè và những người sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản nâng cao nhận thức về pháp luật, không khai thác hủy diệt các loài thủy sản.

Bình Phước có hơn 26.000 ha diện tích mặt nước có thể nuôi thủy sản. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 4.900 tấn, gồm cả sản lượng nuôi trồng và khai thác; diện tích nuôi thủy sản 1.650 ha…

Thế Đan

Nguồn: VnExpress

Leave A Reply

Your email address will not be published.