Bình Định: Phát triển bền vững và hiệu quả sản phẩm OCOP cá điêu hồng

0

Sở hữu nhiều hồ chứa lớn, Bình Định có nhiều thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng. Mô hình nuôi cá điêu hồng gắn với liên kết tiêu thụ không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn hướng đến phát triển bền vững.

Bình Định có nhiều hồ chứa lớn với tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng như: Hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, dung tích 226,3 triệu m³), hồ Núi Một (TX An Nhơn, dung tích 110 triệu m³) và hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát, dung tích 44,5 triệu m³),… với hơn 40 hộ nuôi cá điêu hồng (khoảng 540 lồng nuôi/27.000 m³). Vì vậy việc phát triển nghề nuôi cá lồng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng đi cần thiết để đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân và góp phần phát triển nghề nuôi cá bền vững.

cá diêu hồng

Mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng phát triển có hiệu quả trên hồ Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh

Cá điêu hồng của huyện Vĩnh Thạnh được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào năm 2022, nhờ vậy nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 50 lao động của xã Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Thạnh. Qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Nhằm mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, phát triển nghề nuôi bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP cá điêu hồng, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh triển khai thực hiện mô hình nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng bè trên hồ chứa thủy lợi hoặc đập dâng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm trên hồ Định Bình với quy mô 100 m³ lồng nuôi.

cá diêu hồng

Mô hình được triển khai trên hồ Định Bình với quy mô 100 m³ lồng nuôi

Tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Lê (thị trấn Vĩnh Thạnh) được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, thức ăn và các vật tư thiết yếu. Đồng thời, được tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện trong suốt quá trình nuôi.

cá diêu hồng

Thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cá để có biện pháp xử lý kịp thời

Nhờ tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh, kích cỡ cá thương phẩm đồng đều. Sau 6 tháng thả nuôi, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu của mô hình đã đề ra. Theo đó, tỷ lệ sống cá đạt 85,6% (yêu cầu 80%), trọng lượng trung bình 600 g/con (yêu cầu 500 g/con), tổng sản lượng đạt 5.136 kg. Hiện nay, giá cá thương phẩm ổn định, được thu mua ở mức giá khá cao là 51.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại cho hộ dân hơn 48 triệu đồng/100 m3. Bên cạnh đó, mô hình triển khai gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Qua đó, giúp người nuôi yên tâm sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cá điêu hồng, không còn nỗi lo về đầu ra sản phẩm như trước đây.

cá diêu hồng

Cá điêu hồng thương phẩm

Ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Mô hình triển khai đem lại kết quả rất khả quan, năng suất cá đạt khá cao 51,36 kg/m3, lợi nhuận cũng cao hơn so với trước đây. Đặc biệt những lo lắng về đầu ra sản phẩm đã được giải quyết triệt để, thông qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và các hội đoàn thể địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm cá điêu hồng, từng bước phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững trên địa bàn huyện.

cá diêu hồng

Ông Huỳnh Việt Hùng (bên trái), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định và ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra cá điêu hồng thương phẩm trên hồ Định Bình

Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, cho biết: những năm gần đây, mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng ở hồ thủy lợi đã bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, phương pháp nuôi truyền thống chưa đạt hiệu quả cao. Nhằm cải thiện chất lượng cá, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình tại các hồ chứa lớn, gồm: Hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), hồ Núi Một (TX An Nhơn)và hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát). Điểm nổi bật trong kỹ thuật nuôi cá điêu hồng tại các hồ thủy lợi lớn là môi trường nước sạch, không gian mặt nước rộng, kỹ thuật nuôi bài bản. Nhờ đó, cá điêu hồng có chất lượng cao, không bị mùi rong, thịt thơm ngon, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Thành Nguyên

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.