Bình Định: Nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc: Không sợ thua lỗ, lợi nhuận tăng

0

Vài năm gần đây, việc nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc đã được các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh áp dụng và nhân rộng có hiệu quả. Công nghệ này giúp giảm thiểu dịch bệnh, tiết kiệm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong tôm thương phẩm, qua đó tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập đáng kể cho người nuôi.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc” tại xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với quy mô 1.000 m2/điểm trình diễn. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, thức ăn và các vật tư thiết yếu và được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc trong nuôi tôm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Thành Nguyên

Ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc trong nuôi tôm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Thành Nguyên

Kỹ sư Nguyễn Khắc Tùng Tiến, Phó trưởng Phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông), cho biết: Công nghệ Semi – Biofloc được hiểu là làm sạch và ổn định môi trường nước bằng vi tảo. Khối Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm nuôi; đồng thời ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước.

Ông Phạm Xuân Phương, ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện Phù Cát), chia sẻ: Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, vụ vừa qua tôi thả 200 nghìn con giống tôm thẻ chân trắng PL12 khỏe mạnh, có chứng nhận chất lượng theo quy định. Ban đầu, tôm giống được thả ương trong ao có diện tích 200 m2, sau 1 tháng chuyển sang ao nuôi thương phẩm. Đến nay sau 3 tháng, tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%, kích cỡ thương phẩm đạt 65 con/kg, năng suất ước đạt 27,7 tấn/ha, lợi nhuận ước đạt 67 triệu đồng/1.000 m2.

Theo ông Ngô Đình Thanh, người nuôi tôm tại thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), nuôi tôm theo công nghệ Semi – Biofloc hạn chế sử dụng kháng sinh, giảm lượng thức ăn, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tôm thương phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong thời gian triển khai
mô hình, có thời điểm tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp và thời tiết thay đổi bất thường nhưng nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi theo công nghệ Semi – Biofloc đã được hướng dẫn như lấy nước, xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo floc… nên tôm phát triển tốt, không xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống đạt 89%, ước tính sản lượng đạt 2.540 kg/1.000 m2, tổng thu được khoảng 288 triệu đồng. Nuôi tôm theo công nghệ Semi – Biofloc không chỉ không sợ bị thua lỗ như trước đây mà lợi nhuận còn tăng lên.

Kết quả mô hình triển khai cho thấy, công nghệ Semi – Biofloc giúp người nuôi tôm giảm được chi phí sản xuất từ 10 – 15% so với nuôi thông thường, nhờ giảm được chi phí thuốc kháng sinh phòng bệnh, thức ăn hao hụt; chỉ sử dụng khoảng 60% lượng nước so với nuôi theo quy trình cũ. Đồng thời, quy trình nuôi giảm ô nhiễm nước môi trường nước, kiểm soát dịch bệnh và dư lượng kháng sinh trong tôm thương phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thạc sĩ Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ: Công nghệ Semi – Biofloc tương đối dễ chuyển giao và ứng dụng, đặc biệt nếu giai đoạn đầu người nuôi nắm vững quy trình xử lý ao nuôi, thường xuyên theo dõi lượng nước, thực hiện tốt kỹ thuật ủ mật rỉ đường và nuôi cấy floc thì ở đoạn sau mọi việc rất êm thuận. Tới đây, Trung tâm sẽ tích cực thông tin tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn để chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình đến người nuôi tôm trong tỉnh, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước hình thành và phát triển bền vững các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Thành Nguyên

Nguồn: Báo Bình Định

Leave A Reply

Your email address will not be published.