Bình Định: Nhiều giải pháp để phát triển nghề cá

0

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì được sự ổn định, phục hồi và phát triển. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 146.597 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác ước 139.888 tấn, tăng 2,9%, nuôi trồng ước 6.709 tấn, tăng 4,9%.

Tính đến ngày 15/6, toàn tỉnh có 5.297 tàu cá dài từ 6 m trở lên được đăng ký. Trong đó, 3.744/4.075 tàu cá còn hạn đăng kiểm (chiếm 91,88%) được cập nhật trên hệ thống Vnfishbase; 4.987/5.297 tàu cá được cấp phép khai thác; 3.213 tàu đang hoạt động (100%) đã trang bị thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Định đã phát hiện 2 lượt tàu vượt ranh giới cho phép trên biển (giảm 30% so với cùng kỳ) và yêu cầu toàn bộ 2 tàu này quay về vùng tự do đánh bắt của Việt Nam an toàn. Đồng thời, phát hiện 7 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày (giảm 49 lượt so với năm 2023), xử phạt vi phạm hành chính 6/7 trường hợp với tổng số tiền 145 triệu đồng; trường hợp còn lại do tàu cá hoạt động khai thác và về bến ngoài tỉnh nên tỉnh đã có văn bản đề nghị địa phương nơi tàu về bến phối hợp xử lý. Ngoài ra, đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày trong năm 2023 với số tiền 150 triệu đồng.

Bình Định: Nhiều giải pháp để phát triển nghề cá

Đoàn tàu cá xa bờ của ngư dân Bình Định. Ảnh: Nguyễn Dũng

Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Bình Định đã phê duyệt 165 tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hoặc dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; tiếp nhận 3.962 hồ sơ đề nghị hỗ trợ (trong đó 3.185 hồ sơ nhiên liệu, 777 hồ sơ bảo hiểm); hỗ trợ (5 đợt) cho 3.971 hồ sơ (trong đó hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu 3.554 hồ sơ, hồ sơ đề nghị hỗ trợ bảo hiểm 417 hồ sơ).

Về Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát, khoanh vùng, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15 m thường xuyên di chuyển ngư trường các tỉnh phía Nam; cử đoàn công tác phối hợp với Cục Thủy sản tiến hành lắp đặt VMS đối với loại tàu cá này. Đồng thời, thông báo cho ngư dân biết về chính sách hỗ trợ lắp đặt VMS trên tàu cá để triển khai thực hiện.

Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xử lý triệt để các trường hợp khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ năm 2023 đến nay. Các trường hợp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cương quyết xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý hình sự một số vụ việc điển hình nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền về Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Yêu cầu các địa phương ven biển ngoài công tác tuyên truyền cần chỉ đạo theo dõi, truy cập dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá để phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm của tàu cá địa phương theo chức năng, thẩm quyền được giao; phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá vượt ra ngoài ranh giới vùng biển tự do đánh bắt; tàu cá bị mất tín hiệu kết nối trên biển sau khi tàu trở về bờ theo quy định của pháp luật…

6 tháng cuối năm, Bình Định tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là công tác phòng, chống, ngăn chặn có hiệu quả nạn sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ trong khai thác thủy sản. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.

Cùng đó, trong thời gian tới, tỉnh tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, đưa Bình Định trở thành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung; định hướng hình thành chuỗi đô thị du lịch ven biển dọc theo tuyến đường bộ ĐT.639; xây dựng hình ảnh đô thị biển vùng duyên hải Trung Bộ để tạo ra các cơ hội thu hút nghỉ dưỡng dựa trên các lợi thế về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ven biển thông qua các dự án điện gió ngoài khơi dự kiến triển khai có tổng công suất 10.300 MW.

Toàn tỉnh Bình Định có hơn 5.300 tàu cá, xếp thứ 3 của cả nước. Trong đó, có hơn 1.000 tàu cá “3 không”, phần lớn có chiều dài từ 6 đến dưới 12 m. Nhằm giải quyết nhóm tàu “3 không”, thời gian tới, tỉnh Bình Định chỉ đạo lực lượng biên phòng, các sở ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt quy định pháp luật, nhất là Luật Thủy sản năm 2017. 

Hoài Phương

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.