Thị trường nội địa Nhật Bản ghi nhận tiêu dùng thịt sò điệp đông lạnh của năm tài chính 2023 đạt 13.500 tấn, mức cao nhất trong 10 năm.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, trong năm tài chính 2023, tiêu dùng thịt sò điệp đông lạnh của thị trường nội địa tăng 42% so với năm trước, đạt 13.500 tấn, lần đầu tiên vượt khối lượng xuất khẩu trong 3 năm qua.
Sò điệp Hokkaido. Nguồn: Keiphoto
Nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu bị hạn chế sau lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản của chính phủ Trung Quốc, kể từ sự kiện xả nước thải đã qua xử lý của nhà máy hạt nhân Fukushima 1 ra đại dương. Ngoài ra, giá sò điệp được điều chỉnh giảm (ví dụ giá cỡ 3S giảm 23% xuống 2.500 JPY/kg kể từ tháng 10/2023), cùng với đó là chính sách hỗ trợ tiêu dùng của chính phủ Nhật Bản tại các siêu thị, nhà hàng sushi và các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Trong năm tài chính 2023, sản lượng thịt sò điệp của Nhật Bản tăng 18% lên 24.800 tấn. Nếu tính cả sản lượng của tỉnh Tohoku, khu vực đông bắc và tồn kho đầu kỳ, tổng sản lượng của cả nước ước tính tăng 20% lên 30.000 tấn (lần đầu tiên trong thập kỷ qua sản lượng sò điệp cả nước chạm mức 30.000)
Mặc dù lệnh cấm của Trung Quốc được ban hành từ tháng 8/2023, nhưng xuất khẩu thịt sò điệp đông lạnh vẫn tăng 14% lên 12.500 tấn, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 2,7 lần, sang Đài Loan tăng 17%, theo đó tồn kho tính đến cuối tháng 3/2024 giảm 11% xuống 4.000 tấn.
Tại Hội nghị Thương mại Sò điệp tổ chức ở Sapporo ngày 28/5/2024, ông Yoshihisa Kawasaki, trưởng phòng Kinh doanh 1 của Hiệp hội Hợp tác Nghề cá liên bang Hokkaido, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, bao gồm các sản phẩm đã sơ chế từ tỉnh Hokkaido và Aomori, ông nói: “Nếu chúng ta có thể duy trì và mở rộng các kênh bán hàng sò điệp đã xây dựng từ năm trước, thì năm nay sẽ là một năm tốt đẹp của ngành thủy sản nói chung, các nhà chế biến và phân phối nói riêng”.
An Vy (Theo UCN)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn