Trước quy định chặt chẽ của Mỹ về thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá dành cho tôm nhập khẩu, chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tôm.
4 thị trường mục tiêu
Sau khi Mỹ ban hành các quyết định sơ bộ về thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá dành cho tôm nhập khẩu từ các quốc gia Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam, chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tôm, với các thị trường mục tiêu bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc. Động thái này của bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia (KKP) nhằm giảm thiểu tác động của các quy định thuế từ Mỹ đối với tôm đông lạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Nuôi tôm tại Indonesia. Nguồn: Delosaqua
Theo dữ liệu của ITC Export Potential, 4 thị trường mục tiêu có thể mang về 800 triệu USD cho Indonesia, tương đương xuất khẩu 121.000 tấn tôm đông lạnh. Ông Budi Sulistyo, Cục trưởng Cục cạnh tranh các sản phẩm nuôi trồng và khai thác (PDSPKP thuộc KKP) cho biết thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đã làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Indonesia tại thị trường Mỹ. Do đó ngành tôm Indonesia cần tối ưu hóa các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Nỗ lực từ chính phủ và ngành tôm
Theo ông Budi Sulistyo: “Dữ liệu của ITC Export Potential chỉ ra rằng nếu chất lượng tôm của Indonesia đủ đáp ứng để đặt lên bàn cân với tôm của các quốc gia khác, thì cơ hội tìm thị trường thay thế (ngoài Mỹ) là rất lớn. Việc đa dạng hóa thị trường phải được thực hiện song song với tính hiệu quả của các hoạt động nuôi trồng, chế biến và vận tải để đảm bảo giá luôn ở mức cạnh tranh”.
Ngoài ra, trước quy định thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Mỹ, chính phủ Indonesia vẫn sẽ tiếp tục phối hợp với ngành tôm để đảm bảo các đơn hàng sang Mỹ vẫn “thuận buồm xuôi gió”. KKP đã gửi thư tới Đại sứ quán Indonesia tại Washington DC để được hỗ trợ thông tin từ các cơ quan của Mỹ. Động thái này mở đường cho phiên điều trần nhằm bảo vệ tôm đông lạnh Indonesia trước quyết định sơ bộ của Mỹ về biên độ phá giá.
Ông Erwin Dwiyana, giám đốc marketing của PDSPKP cho biết Indonesia đang nhắm tới thị trường Trung Quốc – nơi mà giá tôm của Indonesia có thể cạnh tranh với tôm Ecuador. Dự kiến khoảng cách tiềm năng xuất khẩu vào năm 2028 tại Trung Quốc là 544 triệu USD, và tại Nhật Bản là 214 triệu USD. Hiện Nhật Bản là thị trường hứa hẹn của hai mặt hàng tôm đông lạnh và tôm chế biến sẵn của Indonesia. “Indonesia đang là nguồn cung tôm lớn thứ 3 của Nhật Bản, thị phần đạt 16,5%, cạnh tranh với Việt Nam và Thái Lan”, ông Dwiyana nói.
Indonesia là nguồn cung tôm lớn thứ 2 của Mỹ trong tháng 4/2024, khối lượng xuất khẩu đạt 10.390 tấn, trị giá 78,5 triệu USD, giảm 23% về lượng và 15% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, Indonesia xuất khẩu 41.306 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 307,9 triệu USD, giảm 18% về lượng và 25% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
An Vy (Theo UCN)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn