Năm 2024, diện tích nuôi tôm biển thâm canh toàn huyện Thạnh Phú khoảng 3.620ha, tập trung ở các xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Qui, An Thạnh, An Thuận, Mỹ An, sản lượng ước đạt 36.200 tấn, năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha. Trong đó, diện tích phát triển nuôi mới trong 8 tháng đầu năm là 86/130ha, đạt 66,15%. Lũy kế đến nay toàn huyện có 1.333/1.500ha nuôi tôm công nghệ cao (CNC), đạt 88, 86% chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025, sản lượng ước đạt 26.660 tấn, bình quân 20 tấn/ha.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 3004 (ngày 1-6-2021) của UBND tỉnh về phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công CNC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch về phát triển 1.500ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC huyện Thạnh Phú giai đoạn 2021 – 2025. Thành lập Tổ khảo sát kết cấu hạ tầng giao thông, điện, kênh cấp thoát nước khu nuôi ứng dụng công nghệ cao và tổ đã tiến hành khảo sát kết cấu hạ tầng giao thông, điện, kênh cấp thoát nước 5 vùng nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn huyện và thống nhất đề xuất đầu tư 15 tuyến đường giao thông; 13 tuyến điện trung thế; nạo vét 23 tuyến kênh. Bên cạnh đó, thành lập Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch phát triển 1.500ha nuôi tôm ứng dụng CNC huyện Thạnh Phú giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời, UBND huyện phối hợp với Chi cục Thủy sản rà soát và quy hoạch lại vùng nuôi, khu nuôi thủy sản có điều kiện phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng CNC đưa vào quy hoạch sử dụng đất huyện thời kỳ 2021 – 2030, tích hợp vào quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức 3 cuộc hội thảo tại các xã Thạnh Hải, Thạnh Phong và Giao Thạnh nhằm tạo sự liên kết giữa hộ nuôi và các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp người nuôi tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển vùng nuôi tôm CNC tập trung đảm bảo hiệu quả, thực hiện đạt mục tiêu của UBND tỉnh giao. Phối hợp với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cam kết sẽ đồng hành, hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình nuôi phù hợp, cử nhân viên kỹ thuật của công ty để tư vấn về quy trình nuôi cho các hộ, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn, tôm giống cho các tổ chức, cá nhân hộ nuôi; hỗ trợ thành lập hợp tác xã nuôi tôm CNC tại Thạnh Phú.
Tiến hành rà soát, thống kê danh sách hiện trạng các doanh nghiệp, cơ sở, hộ nuôi tôm thâm canh, nuôi ứng dụng CNC và những trường hợp có nhu cầu chuyển đổi, đầu tư mới hoặc mở rộng mô hình để tập trung tuyên truyền, vận động đăng ký tham gia hoặc chuyển đổi từng bước. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải vận động hộ nuôi tôm CNC tham gia Hợp tác xã nuôi tôm CNC Thạnh Phú, hiện có 21 đơn xin tham gia. Thành lập 3 tổ hợp tác nuôi tôm CNC tại các xã An Nhơn, Giao Thạnh và Thạnh Phong. Huyện đang chỉ đạo các xã còn lại trong 5 vùng quy hoạch tập trung nuôi tôm biển ứng dụng CNC thành lập các tổ hợp tác để tạo điều kiện liên kết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Phối hợp với Chi cục Thủy sản và các xã thống kê số liệu nuôi tôm thẻ thâm canh nước lợ trên địa bàn để tập huấn, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đăng ký nuôi thủy sản chủ lực theo quy định.
Phối hợp với các sở, ngành tỉnh tham mưu triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư dự án nuôi tôm ứng dụng CNC khu 62ha, xã An Điền; dự án đầu tư khu sản xuất tôm giống 20ha tại xã An Thạnh. Phối hợp với Chi cục Thủy sản, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vận động tham gia xây dựng ao nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn ASC, BAP đối với các khu nuôi tôm thâm canh theo hướng ứng dụng CNC có diện tích lớn và bao tiêu đầu ra phục vụ xuất khẩu. Hiện có 19 hộ với diện tích 102ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn BAP và 3 hộ có 12 khu với diện tích 69,69ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC, đủ điều kiện xuất khẩu tôm thương phẩm vào các thị trường EU, Nhật Bản…
Hiệu quả và những bất cập
Được sự quan tâm của UBND tỉnh, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, sự tập trung chỉ đạo của UBND huyện, công tác phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp; sự liên kết của các doanh nghiệp và người dân nuôi tôm biển ngày càng tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nuôi tôm biển thâm canh phát triển mạnh, nhanh, ổn định trên địa bàn huyện. Sản xuất nông nghiệp của huyện nhất là các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong những năm qua có bước phát triển khá toàn diện, trong đó con tôm biển có sự phát triển đột phá, là sản phẩm hàng hóa chủ lực được tập trung đầu tư, từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại, góp phần quan trọng trong đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của cơ cấu kinh tế của huyện, bảo đảm an sinh, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Nông nghiệp thực sự trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của huyện nhà. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng tích cực; từng bước hình thành các phương thức sản xuất hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản được quan tâm đầu tư, nhất là các vùng nuôi gặp khó khăn về hệ thống cấp thoát nước, giao thông, điện, từ đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Ý thức của người dân từng bước được nâng cao, thận trọng hơn trong việc chọn thời điểm thả nuôi thích hợp, quản lý môi trường, khai báo dịch bệnh, xả thải bùn đáy ao, thông qua hoạt động các Ban Quản lý vùng nuôi.
Tuy nhiên, ngoài các mặt thuận lợi, hiện nay hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao như thủy lợi, điện, đường giao thông chưa đảm bảo trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng còn rất hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Công tác triển khai nhân rộng mô hình gặp khó khăn như chọn hộ tham gia mô hình do đây là mô hình nuôi mới, vốn đầu tư lớn người nuôi còn e ngại về thị trường đầu ra, vốn vay còn hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trong khi đây là đầu mối quan trọng trung gian nhằm kết nối hộ sản xuất với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ, cung cấp đầu vào, đầu ra sản phẩm. Diện tích nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết dẫn đến hiệu quả nuôi còn thấp. Sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, quy mô nhỏ; chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa gắn với thị trường tiêu thụ; sản xuất theo tiêu chuẩn BAP, ASC, tôm sạch chưa nhiều. Ứng dụng, chuyển giao các khoa học công nghệ mới còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến thủy sản tại huyện, các sản phẩm thủy sản phải tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố khác, qua nhiều đầu mối, trung gian và chi phí vận chuyển cao phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận của người sản xuất. Chưa hoàn toàn chủ động được nguồn giống đảm bảo chất lượng, chủ yếu nhập từ các tỉnh bên ngoài. Giá tôm thương phẩm gần đây xuống thấp trong khi giá thức ăn, thuốc thủy sản và vật tư đầu vào phục vụ nuôi tăng cao phần nào ảnh hưởng đến thu nhập và phát triển mô hình.
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết: Để nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) phát triển nhanh và bền vững trên địa bàn, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, vận động các doanh nghiệp, các hộ có đủ điều kiện chuyển đổi từ nuôi tôm thâm canh truyền thống lên mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Chỉ đạo các ngành và các xã có liên quan thành lập các tổ hợp tác và tiến tới thành lập hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng CNC huyện để liên kết chuỗi sản phẩm đầu vào, đầu ra và thuận lợi trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hướng dẫn cho các hộ nuôi xây dựng mô hình nuôi phù hợp với diện tích hiện có, tư vấn quy trình nuôi và kết nối với các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, các chính sách ưu đãi về lãi suất để hộ nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình. Chỉ đạo UBND các xã có liên quan tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động tiếp tục phát triển diện tích nuôi mới mô hình để đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và chỉ tiêu tỉnh giao 1.500ha đến năm 2025. Tăng cường công tác quản lý nuôi tôm thâm canh đúng theo quy hoạch và quy định của pháp luật về đất đai, môi trường liên quan đến nuôi thủy sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành tỉnh có liên quan tiếp tục hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng CNC. Hỗ trợ kết nối thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm thủy sản theo chuỗi giá trị của tỉnh, kết nối tiêu thụ tôm nuôi CNC và kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại huyện theo quy hoạch nhằm giúp chuỗi tôm biển của huyện phát triển ổn định, bền vững.
“Để giúp huyện triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu 1.500ha nuôi tôm ứng dụng CNC tỉnh giao, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện cho các vùng nuôi tôm tập trung theo mô hình ứng dụng CNC của huyện giai đoạn 2021 – 2025 tạo điều kiện cho hoàn thiện hạ tầng nuôi thủy sản như điện, thủy lợi, đường giao thông trong 5 vùng quy hoạch nuôi tập trung. Các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay kéo dài hơn và mức vay cao để đáp ứng nhu cầu nuôi theo quy trình CNC, Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương kiến nghị.