Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần góp sức của cả cộng đồng

0

TP Cần Thơ đang nỗ lực tuyên truyền và đề ra nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Một số loài cá bản địa quý hiếm dần được phục hồi

Nguồn lợi thủy sản của TP Cần Thơ được đánh giá phong phú, nhiều giống, loài có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn lợi này đang dần suy kiệt do không được bảo vệ và khai thác hợp lý. 

Theo các chuyên gia, tình trạng này xuất phát từ việc khai thác quá mức, sử dụng phương pháp đánh bắt không bền vững như dùng điện, chất nổ hay lưới kéo. Những hoạt động này không chỉ làm giảm số lượng thủy sản mà còn gây tổn hại đến hệ sinh thái nước. Bên cạnh đó, ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt cũng góp phần làm suy thoái chất lượng nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của các loài thủy sản. 

Cần Thơ bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Bình quân mỗi năm TP Cần Thơ thực hiện thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản từ 10 – 15 tấn cá các loại quý hiếm về thiên nhiên

Nhằm khắc phục tình trạng trên, TP Cần Thơ đang nỗ lực tuyên truyền và đề ra nhiều giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ông Dương Hoàng Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết, nhiều năm qua ngành thủy sản luôn đẩy mạnh phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực trên địa bàn. Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vô cùng quan trọng. Từ đó giúp quản lý nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả hơn, đảm bảo cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố phát triển một cách bền vững.

Hàng năm tại các quận: Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt và các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh thường xuyên tổ chức lễ thả cá xuống sông Hậu, bình quân mỗi năm tổ chức từ 3-4 đợt. Theo thống kê từ năm 2012 -2023 số lượng thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản với sản lượng trên 126 tấn, tương đương 6,3 triệu con cá các loại như: cá hô, cá chạch lấu, cá éc, mè vinh, tai tượng, cá lóc, thát lát, lươn, cá trê…

Cần Thơ bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ông Lý Văn Bon, là người duy nhất ở Cần Thơ đang bảo tồn thả nuôi nhiều giống cá quý hiếm sắp tuyệt chủng trên dòng sông Mekong

Riêng 6 tháng đầu năm 2024 Cần Thơ thả khoảng 250.000 con giống, tương đương 5 tấn cá các loại xuống sông hậu để bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Đặc biệt, từ 2022 đến nay, theo sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, TP Cần Thơ đã phối hợp tỉnh An Giang và Đồng Tháp thực hiện thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản vào dịp ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (1/4) hàng năm. Khởi đầu chương trình thả cá tái tạo vào năm 2022, 3 tỉnh được chỉ đạo đã cùng nhau thực hiện thả 380.000 con cá, tương đương 7,5 tấn tại An Giang.

Năm 2023 thực hiện thả cá tái tạo tại TP Cần Thơ khoảng 1,1 triệu con các các loại, tương đương gần 12 tấn cá. Theo kế hoạch cuối năm 2024, sẽ tổ chức thả cá tại Đồng Tháp, số lượng dự kiến thả khoảng trên 1 triệu con cá giống các loại, tương đương khoảng 12-13 tấn cá.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, nhiều năm qua, TP Cần Thơ đã phấn đấu từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để thúc đẩy tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khởi điểm từ năm 2013, chỉ có hai điểm thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Cần Thơ với số lượng khoảng vài trăm kg cá giống, đến nay đã lan tỏa sâu rộng trên các địa quận, huyện của thành phố với lượng cá giống thả mỗi năm từ 10 – 15 tấn, tăng gấp 30 lần so với ban đầu. Từ đó, một số loài cá bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng dần được phục hồi và phát triển như: cá hô, cá bông lau, cá thát lát cườm, cá cóc, éc, cá cóc…

Cần Thơ bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ông Lý Văn Bon giới thiệu những loài cá quý hiếm trên sông Mekong, hiện ông đang nuôi và bảo tồn chúng. 

Bên cạnh việc kiểm soát khai thác và tái tạo thủy sản TP. Cần Thơ cũng khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Người dân được hỗ trợ kỹ thuật, giống và vốn để chuyển đổi từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản. Các mô hình nuôi trồng mới, thân thiện với môi trường, như nuôi cá trong lồng bè, nuôi tôm công nghệ cao, được khuyến khích áp dụng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn lợi tự nhiên mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Bảo tồn nhiều giống cá bản địa quý hiếm

Nhiều năm nay, tại Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ ai cũng biết ông Lý Văn Bon (Bảy Bon) nuôi cá thương phẩm trên dòng sông Hậu vừa kết hợp du lịch tham quan làng bè. Điều đặc biệt hơn ông Bảy Bon là người duy nhất ở Cần Thơ đang bảo tồn thả nuôi nhiều giống cá quý hiếm sắp tuyệt chủng trên dòng sông Mekong.

Ông Bảy Bon cho biết, trước đây, khu vực sông Hậu chảy ngang qua Cồn Sơn có dòng nước chảy rất mạnh nên ít bị ô nhiễm giúp cá nuôi mau lớn. Thời điểm ấy, ông tập trung nghiên cứu các loại cá gồm: cá bống tượng, cá tra, cá dứa nước ngọt, cá chạch lấu, cá bông lau…

Đến nay, ông đã sở hữu 30 lồng bè với tổng diện tích 7.000 m2 nằm giữa dòng sông Hậu với nhiều loại cá đặc sản và quý hiếm như: thát lát cườm, chạch lấu, cá hô, tra dầu, cá chạch lửa, cá éc, cá cầy, cá heo, mè hôi, mê rỗ, cá trà sóc, cá bảo ngọc cá tra dầu, cá tra cờ, cá heo… trong số đó, ông Bon còn nuôi số lượng lớn chiếm tới 60-70% là cá thát lát và chạch lấu thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Khi thu hoạch lượng cá tươi này chủ yếu cung cấp cho các đại lý, thương lái ở TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Còn số lượng còn lại được chế biến thành chả cá thát lát cung ứng cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật, Úc…

Cần Thơ bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Thơ bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tại bè cá Bảy Bon vừa ra mắt “Phòng thông tin nghề cá trên sông Hậu” có ý nghĩa quan trọng, góp phần lưu giữ những giống cá nước ngọt đặc hữu của sông Mekong.

Theo ông Bon, nuôi cá trong bè gỗ giữa sông Hậu giúp cá mau lớn và ít dịch bệnh, chi phí giảm hơn so với nuôi thông thường. Bình quân mỗi năm ông Bon nuôi cá thát lát xuất bán khoảng 600 tấn, còn cá chạch lấu khoảng 15-17 tấn/năm. Công việc nuôi cá thương phẩm kết hợp làm du lịch mang lại cho gia đình ông Bảy Bon thu nhập từ 5-7 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, mới đây tại bè cá Bảy Bon vừa ra mắt “Phòng thông tin nghề cá trên sông Hậu” có ý nghĩa quan trọng. Đây là một trong những mô hình góp phần lưu giữ những giống cá nước ngọt đặc hữu của sông Mekong. Du khách khi đến Cồn Sơn ngoài tham quan du lịch còn có cơ hội tìm hiểu về những loài cá quý hiếm đang bị đe dọa do hoạt động khai thác quá mức của con người.

Ông Phạm Trường Yên mong muốn mô hình như của ông Bảy Bon sẽ ngày càng được nhân rộng, vừa phát triển du lịch vừa nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn thiên nhiên trên sông Hậu nói riêng và sông Mekong nói chung.

Ngọc Trinh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.