Việc bảo vệ môi trường sinh thái và rạn san hô ở Hòn Yến (Phú Yên) không chỉ làm đẹp thêm cho danh thắng này, mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Như nhận định của vị tư lệnh ngành nông nghiệp Lê Minh Hoan mới đây, bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến là một trong những mô hình tương đối thành công; do đó, mong muốn những mô hình này sẽ trở thành một xung lực mới cho bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hệ sinh vật phong phú
Quần thể Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội (xã An Hòa, huyện Tuy An) là khu vực bao gồm: Hòn Yến, Hòn Đụn, Hòn Choi, Vũng Choi, Gành Yến, Bàn Than tạo thành một thắng cảnh tự nhiên bên bờ biển.
Hòn Yến như một bức bình phong che chở cho ngư dân, đồng thời cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều loại hải sản có giá trị cao. Tuy nhiên, thảm san hô vẫn luôn là điều tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng cho Hòn Yến. Quần thể rạn san hô Hòn Yến có diện tích khoảng 30,2 ha, trong đó san hô mềm chiếm ưu thế. Kết quả nghiên cứu rạn san hô ở khu vực này đã ghi nhận có 22 loài thuộc 7 họ; có 3 loài cỏ biển, 7 loài rong biển và nhiều loài thủy hải sản sinh sống…
Thảm san hô vẫn luôn là điều tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng cho Hòn Yến. Ảnh: Minh Tú
Năm 2018, khu vực quần thể Hòn Yến đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Nơi đây có nhiều đặc điểm nổi bật về địa chất, địa mạo, hệ động thực vật tạo nên hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng, có giá trị về văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển du lịch ven biển.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới (Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga), một số loài san hô thuộc được ghi nhận tại khu vực Hòn Yến như: Agariciidae, Merulinidae, Poritidae, Psammocora, Scleractinia…; đặc trưng các loài trong nhóm san hô bắp cải Montipora foliosa, Montipora monasteriata, Montipora aequi tuberculata và san hô dạng cành Acropora nobilis. Phía Tây Hòn Yến có rạn san hô đá Scleractinia độc đáo với mức độ che phủ tốt và độ phong phú cao, phân bố ở độ sâu khoảng 1 m trong khu vực có sóng và ở độ sâu 3 – 4 m là phân bố điển hình của san hô mềm.
Thực vật cỏ biển được ghi nhận có 3 loài và rong biển với 7 loài. Động vật được ghi nhận với các loài sao biển như Culcita novaeguineae, sao biển họ Echinasteridae, sao biển gai Acanthaster Planci; hải sâm, hải quỳ, huệ biển, nhím biển, động vật thân mềm lớp hai mảnh vỏ, động vật thân mềm, giáp xác… Động vật có xương chủ yếu là các loài cá rạn (gần 60 loài thuộc 23 họ). Một số loài cá dễ bắt gặp tại Hòn Yến ở mực nước từ 1 – 4 m như cá bướm, cá thù lù, cá thằn lằn hai đốm, cá đuôi gai, cá hề, cá chim nàng đào đỏ, cá mặt quỷ, cá mao tiên…
Hợp sức bảo tồn
Từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2022, Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã tài trợ tỉnh Phú Yên thực hiện dự án tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến; tổng kinh phí thực hiện dự án gần 3,2 tỷ đồng. Dự án đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền (1.025 hộ dân ở thôn Nhơn Hội và Hội Sơn), tập huấn nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, lợi ích về bảo tồn và khai thác bền vững hệ sinh thái.
Đầu năm 2022, UNDP hỗ trợ triển khai Dự án xây dựng cơ chế tài chính bảo vệ hệ sinh thái san hô tại Hòn Yến (giai đoạn 2). Sau 2 năm thực hiện, các đơn vị đã tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng trong quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô. Địa phương cũng đã hình thành điểm tiếp đón và hướng dẫn khách tham quan các dịch vụ, du lịch theo mô hình thân thiện với môi trường.
Tháng 4/2023, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định quy định về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rạn san hô Hòn Yến; với việc xác lập 4 vùng chức năng. Theo đó, vùng lõi (A0) có diện tích rạn gần 17,7 ha, hiện trạng có nền rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển phân bố. Vùng này được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa tác động đến hệ sinh thái san hô.
Vùng đệm (B1) với diện tích khoảng 22,5 ha, được xác lập là phân khu liên kết du lịch và nghiên cứu địa chất, khu vực tiềm năng có khả năng phát triển du lịch sinh thái.
Vùng đệm (B2) có diện tích khoảng 20 ha, phân khu phát triển nuôi, ương tôm hùm, nhằm đảm bảo nguồn thu nhập chính cho cộng đồng dân cư sinh sống tại đây. Về lâu dài sẽ phát triển theo hướng mô hình dịch vụ du lịch, mô hình tham quan khoa học.
Vùng đệm (B3) với diện tích khoảng 8,35 ha, phân khu dịch vụ hậu cần nghề cá là vùng tập trung neo đậu tàu thuyền khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá vào thời gian thời tiết ổn định trong năm, hạn chế tập trung quá đông tàu thuyền vào mùa mưa bão, triều cường.
Thời gian qua, UBND huyện Tuy An cũng đã công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực rạn san hô xã An Hòa Hải. địa phương đã phê duyệt phương án bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản và quy chế hoạt động của Tổ hợp tác quản lý và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến. Huyện cũng đã ban hành phương án thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến thực hiện đồng quản lý. UBND huyện đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại khu vực Hòn Yến với diện tích 20 ha, nhằm giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái san hô.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên cho biết, để tiếp tục bảo tồn và phát triển quần thể rạn san hô Hòn Yến, tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Hòn Yến, với loại hình bảo vệ cảnh quan.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam từng nhận định, bảo tồn quần thể rạn san hô gắn với phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ khu vực Hòn Yến là việc làm hết sức cần thiết không chỉ với riêng xã An Hòa Hải, với huyện Tuy An mà với cả tỉnh Phú Yên. Đây có thể là điểm nhấn, địa chỉ đỏ thu hút khách du lịch đơn tuyến, liên tuyến đến Phú Yên, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ trong tương lai.
Tầm nhìn đến 2030, Hòn Yến sẽ trở thành một chấm trên bản đồ về nỗ lực của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rạn san hô, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hòn Yến cũng sẽ là điểm du lịch học tập trong nước và quốc tế về mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ hệ sinh thái san hô.
Vân Anh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn