Thời gian qua, tại nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu, việc ứng dụng mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời, không xả thải nước ra kênh rạch làm ô nhiễm môi trường.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 140.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 21.000 ha nuôi thâm canh và trên 5.000 ha nuôi siêu thâm canh với 21 doanh nghiệp và 650 hộ cá nhân.
Theo tính toán của ngành tài nguyên – môi trường, thông thường các ao nuôi tôm công nghiệp có độ sâu hơn 1,3 – 1,5 m. Như vậy, với hơn 20.000 ha nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp ở khu vực ven biển, mỗi vụ sẽ phát sinh khoảng 2.600 triệu m³ nước thải ra môi trường.
Khu gom nước về để xử lý tuần hoàn nước và khu xử lý chất thải tại xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu. Ảnh: Chí Quốc
Trong khi đó, nước thải sau vụ nuôi tôm chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh như: Vibrio, Aeromonas, E.coli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus,… cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật không được xử lý triệt mà thải thẳng ra nguồn nước tiếp nhận, gây ô nhiễm nguồn nước, lan tràn dịch bệnh và gây nên thiệt hại trên diện rộng.
Với những thách thức được đặt ra cho thấy, một trong những giải pháp hàng đầu trong thực hiện đề án để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước hiện nay chính là tập trung giải bài toán về môi trường, nhất là bảo vệ môi trường nước.
Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Bạc Liêu đã ứng dụng mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn khép kín, giúp tiết kiệm chi phí, vừa không xả thải ra kênh rạch làm ô nhiễm môi trường.
Điển hình là hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) với mô hình nuôi tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học để sản xuất tôm sạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Hay Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) với mô hình nuôi mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài, đã giúp tôm lớn nhanh hơn so với cách nuôi thông thường.
Để thực hiện mô hình này, các công ty, hợp tác xã dành một khoảng nhỏ đất làm nơi gom nước thải về rồi xử lý (lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học), bơm nước đã xử lý lần lượt qua các ao lắng được thiết kế theo kiểu zíc zắc nhằm đảm bảo nước được lọc sạch hoàn toàn trước khi đưa qua ao thứ 5 rồi bơm ngược trở lại ao nuôi.
Ưu điểm của mô hình này là hầu như không sử dụng nguồn nước bên ngoài trong suốt quá trình nuôi. Do kiểm soát tốt nguồn nước nên cả giai đoạn nuôi tôm từ nhỏ tới trưởng thành không phải sử dụng kháng sinh cho tôm, đồng thời không tốn tiền mua hóa chất xử lý nước nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Mô hình này khá phù hợp với các hộ nuôi tôm cách xa kênh trục, việc lấy nước nuôi tôm gặp khó khăn.
Ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bạc Liêu đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ ngành tôm của cả nước, vì vậy tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người nuôi tôm phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, trong đó đặc biệt ưu tiên cho các mô hình nuôi tôm công nghệ tiên tiến, khép kín, tuần hoàn nước để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.
Theo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, đến năm 2023, mô hình này chiếm lượng lớn ở địa phương với khoảng 80% số hộ nuôi. Nhờ đó, tình trạng nuôi tôm xả thải trực tiếp ra kênh rạch đã giảm đi đáng kể.
Lê Loan
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn