Trong năm 2023, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu cán mốc 1 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm đông ước đạt 973,6 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản tiếp tục là điểm sáng giúp tỉnh Bạc Liêu lọt vào top đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu ngành hàng tôm.
Thông tin từ Cục thống kê tỉnh Bạc Liêu cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh ước đạt hơn 370 triệu USD, bằng 32% kế hoạch năm (tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước). Trong đó, tôm đông lạnh ước đạt 353,79 triệu USD, đạt hơn 31% kế hoạch năm (tăng hơn 6,9% cùng kỳ).
Trên địa bàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu vẫn duy trì tốt các thị trường truyền thống để tăng kim ngạch xuất khẩu, như: Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Bạc Liêu lọt top 5 tỉnh dẫn đầu về xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm. Ảnh: TTXVN
Ba mặt hàng xuất khẩu chính và cũng là thế mạnh của Bạc Liêu là tôm, gạo và muối. Trong đó, ngành hàng chủ lực là tôm chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 là 1,7 tỷ USD.
Với mục tiêu đưa tỉnh Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” và hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”; trong thời gian tới, địa phương này xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao theo mô hình nông hộ. Ghi nhận, toàn tỉnh hiện có 11 doanh nghiệp và 806 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức siêu thâm canh; nuôi 2, 3 giai đoạn với diện tích 2.134 ha. Tỉnh đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư.
Song hành cùng doanh nghiệp là chủ trương và giải pháp được Bạc Liêu triển khai thực hiện trong nhiều năm qua để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng đó, Bạc Liêu còn thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tình hình xuất khẩu hàng hóa để doanh nghiệp yên tâm và chủ động trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đặc biệt là quan tâm và đầu tư hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; tích cực tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, bên cạnh xây dựng vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn dịch bệnh, công tác giám sát dịch bệnh thủy sản được thực hiện hàng năm. Từ năm 2017 đến nay, Bạc Liêu đã triển khai kế hoạch giám sát an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, trong đó hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu (kể cả vùng đệm) tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Năm 2021, công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện thêm vùng đệm xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu), nhằm xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản tập trung là lúa và tôm, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến nông sản tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú, đa dạng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hải Lý
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn