Những năm gần dây, nghề nuôi cá lồng trên sông tại Bắc Kạn đã phát triển rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Bắc Kạn có diện tích hồ chứa thủy lợi, thủy điện khoảng 382 ha (gồm 39 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó có 12 hồ chứa lớn vừa có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng, 27 hồ chứa nhỏ phát triển nuôi theo hình thức thả trực tiếp vào lòng hồ).
Phát huy lợi thế của địa phương, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn đã phối hợp với một số huyện triển khai thành công các mô hình, dự án nuôi cá trong lồng bè. Bằng các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều mô hình bước đầu mang lại những kết quả rõ rệt.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên số lượng lồng nuôi cá trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh chóng. Ảnh: Nguyễn Liễu
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn triển khai 80 m² lồng cá điêu hồng tại xã Thượng Giáo (Ba Bể), sản lượng thu về 3 tấn; năm 2021, nuôi quy mô là 84 m² tại xã Kim Lư (Na Rì), sản lượng thu được trên 4 tấn. Từ thành công của các mô hình đã khuyến khích các địa phương nhân rộng. Tại xã Thượng Giáo, ban đầu chỉ có 5 – 7 hộ nuôi với 7 lồng thì đến nay đã có 18 hộ nuôi với 29 lồng trên sông Năng. Tại xã Kim Lư, huyện Na Rì ban đầu chỉ có 2 hộ nuôi với 4 lồng thì nay có 3 hộ tham gia nuôi với 6 lồng, bao gồm các loại cá như điêu hồng, trắm cỏ, rô phi, chép, nheo Mỹ…
Anh Vi Thành Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Sông Năng chia sẻ: “Thành lập năm 2020, hiện hợp tác xã chúng tôi có 7 thành viên, nuôi 10 lồng cá. Nhờ có sự hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và được tham quan học tập kinh nghiệm, nên đến nay mô hình nuôi cá lồng của hợp tác xã dần đi vào ổn định. Các loại cá của hợp tác xã bán ra thị trường với giá bình quân 100.000 đồng/kg, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Cá lồng sông Năng đã bắt đầu có thương hiệu, được đưa vào nhiều nhà hàng lớn, tiêu thụ tại Thành phố Bắc Kạn và Thái Nguyên”.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng, anh Vi cho biết nuôi cá lồng trên sông Năng hợp với các loài như trắm, rô phi, điêu hồng. Nên chọn cá giống nuôi từ nhỏ để cá dễ thích nghi môi trường. Nuôi cá trên sông, nguồn nước sau mỗi trận mưa lũ thường thay đổi đột ngột, nước đục. Nếu mua cá giống mà không lựa chọn kỹ rất dễ thất bại do cá chết hàng loạt. “Do nuôi trên sông nên dù thả với mật độ dày, cá không bị thiếu ôxy và ô nhiễm như nuôi trong ao. Khoảng 8 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng khoảng 8 – 1 kg. Với 1 lứa/năm, mỗi lồng cá có thể cho thu hoạch khoảng 10 tấn cá”, anh Vi chia sẻ thêm.
Anh Ma Thế Toán, ở thôn Phiêng Chì, xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể) nuôi cá điêu hồng trong lồng bè từ năm 2020 trên sông Năng, đến nay đã được gần 4 năm. Hiện anh có 2 lồng bè với diện tích mỗi lồng khoảng 40 m2, mỗi năm từ số lồng này cho khai thác khoảng 3 tấn cá, trừ chi phí thu được hơn 100 triệu đồng.
Theo chia sẻ từ người dân, nuôi cá trong lồng bè có ưu điểm không tốn quá nhiều diện tích, chi phí đầu tư ban đầu thấp, việc quản lý thức ăn và dịch hại cho cá dễ dàng, năng suất cao hơn so với nuôi truyền thống. Tuy nhiên nhược điểm là vào mùa nước lũ dâng, nguy cơ lồng bè trôi, nước đục gây khó khăn khi cho cá ăn, môi trường nước lũ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cá. Do vậy ngành chuyên môn khuyến cáo bà con hạn chế thả cá giống vào mùa nước lũ để đảm bảo quá trình nuôi đạt hiệu quả cao.
Thanh Hiếu
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn