Nguồn lợi dần cạn kiệt, giá bán giảm, nhu cầu thị trường thấp, cước phí vận chuyển tăng mạnh cùng những khó khăn về rào cản kỹ thuật thương mại… là những khó khăn, thách thức mà ngành thủy sản tỉnh đang gặp phải.
Thách thức về thị trường, giá bán
Ông Lê Hoàng Khanh (ở phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) cho biết, ông có 2 tàu cá công suất 500CV và 820CV hành nghề lưới rê đánh bắt xa bờ các loại cá thu, cá ngừ. Từ đầu năm đến nay 2 chuyến biển (mỗi chuyến 2 tháng) đều bị lỗ từ 100-200 triệu đồng/tàu/chuyến. “Chuyến gần nhất tàu nhỏ lỗ 100 triệu đồng, tàu lớn lỗ 200 triệu đồng. Nguyên nhân do sản lượng khai thác và giá bán đều giảm mạnh”, ông Khanh nói.
Thu hoạch tôm ở HTX nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa).
Cụ thể, nếu mọi năm một chuyến biển đánh bắt được khoảng 12-15 tấn cá thì năm nay chỉ được 6 tấn cá, giảm hơn 50%. Giá bán cá cũng giảm từ 25-35% tùy loại. Nếu năm ngoái giá cá thu thu mua ngoài biển là 120 ngàn đồng/kg thì năm nay chỉ còn 90 ngàn đồng/kg (loại 1), cá ngừ cũng giảm từ 23 ngàn đồng/kg xuống còn 15 ngàn đồng/kg hiện tại.
Trên bờ, giá hải sản nuôi cũng giảm mạnh. Theo các hộ nuôi lồng bè ở khu vực sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), giá các loại cá chim, cá mú, cá chẽm, hàu… cũng giảm từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ cá sống cũng chỉ đạt từ 50-80% tùy loài. Giá tôm cũng giảm 50-60 ngàn đồng/kg so với thời điểm Tết, chỉ còn 130 ngàn đồng/kg loại 25 con/kg, giảm 30%.
Bốc dỡ hải sản ở cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền).
Nguyên nhân giá giảm theo các chủ tàu cá, người nuôi thủy sản là do nhu cầu thị trường giảm, nhà hàng, quán ăn giảm thu mua. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa) cho biết, hàng năm sản phẩm tôm thẻ chân trắng cho HTX bán chủ yếu các thương lái phía Bắc để đưa đi xuất khẩu Trung Quốc nhưng năm nay thị trường này cũng giảm tiêu thụ. Sau Tết, sản lượng tôm thị trường này mua cứ giảm dần, đến tháng 5, tháng 6 vừa qua càng giảm mạnh nên tôm trong nước mới dư thừa, giá bán tuộc dốc không phanh.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), gần nửa đầu năm 2024, thị trường Trung Quốc nhập khẩu hơn 367.000 tấn tôm với trị giá 1,78 tỷ USD, giảm 11% về khối lượng và 24% về giá trị.
Rào cản kỹ thuật thương mại
Ngoài nhu cầu thị trường và giá bán giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng cao khiến DN xuất khẩu thủy sản giảm giá thu mua nguyên liệu trong nước. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, từ năm 2023 dưới áp lực cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ, Ecuador có giá bán thấp hơn, giá tôm Việt Nam xuất khẩu liên tục xuống thấp trong khi giá cước tàu biển lại tăng đột biến từ 40-60%. Riêng đối với cước vận tải biển đi Bắc Mỹ, Tây Âu tăng giá tới 100% so thời kỳ thấp điểm.
Mức tăng này đã ảnh hưởng mạnh, buộc các DN thủy sản phải bán hàng theo phương thức FOB (bên mua trả cước phí vận chuyển). Nhưng do giá cước tăng cao, khách hàng yêu cầu phía người bán phải hỗ trợ cước hoặc giảm giá bán từ 1-5%. Giá bán giảm, chi phí lại tăng lên khiến DN phải giảm giá thu mua nguyên liệu trong nước.
Sơ chế bạch tuộc xuất khẩu ở Công ty Baseafood 1 (TP.Bà Rịa).
Bên cạnh đó, các DN thủy sản thủy sản cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp phòng vệ, rào cản kỹ thuật về thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp từ các nước nhập khẩu. Gần đây nhất, cuối năm 2023, Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ đã đệ đơn yêu cầu điều tra chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã vào cuộc điều tra sơ bộ áp mức thuế chống trợ cấp 2,84% và các DN xuất khẩu tôm Việt Nam phải ký quỹ từ tháng 4/2024. Dự kiến tháng 8/2024 sẽ có kết quả cuối cùng và tháng 10/2024, Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) sẽ bỏ phiếu đánh giá kết quả điều tra.
Theo Hiệp hội Thủy sản tỉnh phản ánh, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ xác nhận mua nguyên liệu trực tiếp từ ngư dân, do các tàu cá không xuất được hóa đơn đỏ. Từ các khó khăn, vướng mắc trên, DN lo lắng 6 tháng cuối năm 2024 việc thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu sẽ càng trầm trọng hơn. Hiệp hội Thủy sản tỉnh đã gửi kiến nghị lên UBND tỉnh với mong muốn có một buổi đối thoại với các cơ quan chức năng nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN thủy sản.
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 446 DN, cơ sở, hộ cá thể sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản với tổng công suất chế biến trung bình hàng năm khoảng 250 ngàn tấn thành phẩm/năm. Trong đó có 42 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP, 30/42 nhà máy này đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất khẩu đi hơn 40 nước với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 110 triệu USD.
Bài, ảnh: Ngọc Minh
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu