Nghiên cứu được Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc thay đổi độ mặn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) khi ương theo công nghệ Biofloc.
Trong nuôi tôm, độ mặn là yếu tố quan trọng quyết định năng suất trong quá trình thả nuôi, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL. Những năm qua, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to kéo dài đã làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi, gây khó khăn cho quá trình chăm sóc tôm. Đặc biệt là trong giai đoạn thả giống, sự thay đổi độ mặn có thể ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và tỷ lệ giống của tôm sú. Vì vậy, cần phải xác định được ngưỡng độ mặn nằm trong khoảng thích hợp cho tôm sú phát triển.
Thực hiện thí nghiệm
Thí nghiệm được thực hiện với 7 nghiệm thức chia làm 2 nhóm:
Nhóm 1: Tiến hành sốc độ mặn, bao gồm 5 nghiệm thức, tôm từ độ mặn 20‰ thả ương trực tiếp ở độ mặn 5‰, 10‰, 15‰, 20‰ (đối chứng), 30‰.
Nhóm 2: Hai nghiệm thức còn lại được chia làm 2 nhóm nhỏ để thuần nhanh từ độ mặn 20‰ xuống 5‰ trong vòng 3 giờ và thuần chậm từ độ mặn 20‰ xuống 5‰ trong 3 ngày.
Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể nhựa chứa 70 lít nước, mật độ 2 con/lít. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày bằng thức ăn số 1 (chứa 40% đạm) của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam với chế độ cho ăn theo khối lượng thân tôm.
Biofloc được tạo bằng nguồn mật rỉ đường bón vào bể ương tôm mỗi ngày để đạt tỷ lệ C/N = 10/1.
Kết quả
Sau 20 ngày ương cho thấy, các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp để tôm phát triển. Sự thay đổi độ mặn đột ngột trong quá trình thả giống không ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của tôm, nhưng đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm.
Theo kết quả nghiên cứu, khi sốc độ mặn càng lớn tỷ lệ sống của tôm càng thấp tương ứng khi tôm bị sốc độ mặn từ 20‰ (giảm đột ngột xuống còn 5 – 10‰) cho tỷ lệ sống thấp nhất, chỉ đạt 60,7 – 67,0% và cao nhất ở nghiệm thức đối chứng 98,3%, không có sự khác biệt so với nghiệm thức sốc giảm 5‰ độ mặn và tăng độ mặn từ 20 – 30‰. Tôm giống được thuần nhanh và thuần chậm không ảnh hưởng đến tăng tưởng và tỷ lệ sống của tôm.
Tăng trưởng và khối lượng của tôm không bị ảnh hưởng bởi việc sốc độ mặn, tuy nhiên tăng trưởng về chiều dài bị ảnh hưởng, sốc độ mặn càng lớn thì tăng trưởng chiều dài tôm càng thấp.
Từ kết quả thí nghiệm, người nuôi nên thuần hóa tôm trước khi thả vào ao nuôi, hoặc nếu thả trực tiếp vào ao thì độ mặn không nên chênh lệch quá 5‰ để đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Đối với trường hợp, mưa to và kéo dài, nên thiết kế đập tràn để tháo bớt nước mặt, nhằm tránh thay đổi độ mặn đột ngột.
Thanh Hiếu (Tổng hợp)
Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam