Ấn Độ: Tổn thất 500 triệu USD do lệnh cấm nhập khẩu tôm tự nhiên của Mỹ

0

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm Thủy sản Ấn Độ (MPEDA), lệnh cấm nhập khẩu tôm khai thác tự nhiên từ Ấn Độ vào Mỹ kéo dài từ năm 2019 đến nay đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành thủy sản Ấn Độ. Ước tính, nước này đã mất khoảng 500 triệu USD doanh thu từ xuất khẩu tôm.

Mỹ, thị trường xuất lớn nhất của tôm Ấn Độ, đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm khai thác tự nhiên vì lo ngại việc ngư dân Ấn Độ không sử dụng thiết bị loại trừ rùa (TEDs) – công cụ giúp tránh việc rùa biển bị mắc vào lưới đánh cá. Mặc dù vậy, Ấn Độ cho rằng các loài rùa bị đe dọa hiếm khi xuất hiện tại các khu vực khai thác tôm dọc bờ biển phía tây của nước này.

tôm ấn độ

Ngành tôm Ấn Độ thiệt hại lớn do lệnh cấm của Mỹ. Ảnh minh họa. Nguồn: 

Trong bối cảnh lệnh cấm tiếp tục có hiệu lực, MPEDA đã tiến hành nhiều biện pháp để khuyến khích các bang ven biển Ấn Độ sử dụng TEDs như một phần của việc cải cách Luật Khai thác Thủy sản Biển. Đáng chú ý, chính quyền bang Ấn Độ là đơn vị trực tiếp quản lý lĩnh vực thủy sản của quốc gia này. Đồng thời, Viện Nghiên cứu Thủy sản Biển Trung ương Ấn Độ (CMFRI) đã khởi động dự án nghiên cứu kéo dài ba năm, bắt đầu từ năm 2020, nhằm thu thập dữ liệu về động vật có vú và rùa biển, với mục tiêu bảo vệ các loài động vật quý hiếm này.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang thúc đẩy việc áp dụng một thiết kế mới loại trừ rùa – đã được Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) phê duyệt. Các quan chức khu vực hiện đang được đào tạo để hướng dẫn ngư dân cách lắp đặt và sử dụng thiết bị này, nhằm đảm bảo tôm khai thác tự nhiên có thể đáp ứng các yêu cầu của Mỹ.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu Hải sản Ấn Độ (SEAI), các bang ven biển đang tổ chức các buổi trình diễn thực địa nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TEDs. Chính phủ Ấn Độ cũng đang nghiên cứu các quy định bảo tồn động vật có vú biển như cá voi, cá heo, và dugong để đảm bảo tuân thủ Đạo luật Bảo vệ Động vật Có vú Biển của Mỹ. SEAI cảnh báo rằng nếu không giảm thiểu được tình trạng động vật có vú mắc kẹt trong quá trình khai thác, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản tự nhiên của Ấn Độ vào Mỹ có thể bị ngưng trệ hoàn toàn.

An Vy (Theo Seafoodsource)

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.