Ấn Độ: Nỗ lực bảo vệ hình ảnh ngành tôm

0

Trước những cáo buộc các trại tôm bùng nổ ở bờ biển phía Đông đã phá hủy rừng ngập mặn, Ấn Độ một lần nữa lại đưa quan điểm cứng rắn về bảo vệ sinh kế cho người nuôi tôm bắt nguồn từ việc bảo vệ rừng.

Bảo tồn rừng ngập mặn

Hình ảnh vệ tinh của công ty GalaxEye Space Ấn Độ về dữ liệu ao nuôi và dữ liệu rừng ngập mặn của Clark Labs đã minh oan cho ngành nuôi tôm Ấn Độ. Theo đó, dữ liệu từ năm 1999 đến 2022 cho thấy chỉ có 0,3% diện tích được bao phủ bởi rừng ngập mặn đã chuyển đổi thành ao nuôi thủy sản. Hơn nữa, diện tích thực được bao phủ bởi rừng ngập mặn đã tăng 8%. Chính phủ Ấn Độ bắt đầu tăng cường nỗ lực bảo tồn từ đầu thế kỷ 21 thông qua chính sách siết chặt luật lâm nghiệp và thực thi Đạo luật nuôi trồng thủy sản ven biển, kết hợp nâng cao nhận thức cho toàn dân về vai trò của rừng ngập mặn đối với sức khỏe hệ sinh thái của đất nước.

bảo tồn rừng ngập mặn

Bảo tồn rừng ngập mặn chính là chiến lược nâng cao hình ảnh cho mặt hàng tôm. Ảnh: Venambak

Ấn Độ là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Công ước Ramsar về bảo tồn vùng đất ngập nước và có số lượng Ramsar nhiều nhất khu vực Nam và Đông Nam Á. Đây là minh chứng cho thấy chính phủ Ấn Độ đặt nhiệm vụ bảo vệ vùng đất ngập nước nói chung và rừng ngập mặn nói riêng lên hàng đầu. Bộ trưởng Bộ tài chính Ấn Độ đã công khai hai chương trình quy mô về trồng rừng ngập mặn vào bảo tồn vùng đất ngập nước trong ngân sách giai đoạn 2023 – 2024. Theo đó, sáng kiến Rừng ngập mặn cho môi trường sống ven biển và thu nhập hữu hình của Ấn Độ (MISHTI) cũng được triển khai.

Quỹ Swaminathan, một trong những tổ chức bảo tồn rừng ngập mặn tại Ấn Độ hoạt động từ năm 1993 và tuyên bố đã khôi phục 2.025 ha rừng ngập mặn. Trong giai đoạn 1993 – 2021, Swaminathan đã khôi phục 900 ha rừng ngập mặn ở bờ biển phía Đông Tamil Nadu; 860 ha ở Andhra Pradesh; và 240 ha ở Odisha.

Nuôi tôm “xanh” ở bờ Đông

Phần lớn các trại nuôi tôm và rừng ngập mặn của Ấn Độ tập trung ở bờ biển phía Đông. Các khu rừng ngập mặn chính tại khu vực này gồm Sundarbans thuộc West Bengal, Bhitarkanika ở Odisha, Godavari-Krishna tại AndhraPradesh và rừng Pichavaram thuộc địa phận Tamil Nadu. Ngoài ra, các khu rừng nhỏ hơn nằm rải rác ở đồng bằng châu thổ và cửa sông phía Đông.

Andhra Pradesh là vựa tôm lớn nhất Ấn Độ, kế đến là West Bengal, Odisha và Tamil Nadu. Thực tế, các trại nuôi tôm và rừng ngập mặn ở bờ biển phía Đông Ấn Độ phải cạnh tranh nhau để giành đất đai vốn dĩ khan hiếm. Dữ liệu rừng ngập mặn của ClarkLabs cho thấy, trong giai đoạn 1999 – 2022, diện tích ao nuôi tôm và cá tăng 87%, và tổng diện tích rừng ngập mặn tăng 8%. Năm 2022, khoảng 385.000 ha ở bờ biển phía Đông được bao phủ bởi ao nuôi tôm, cá và khoảng 260.000 ha được bao phủ bởi rừng ngập mặn.

Khi tổng diện tích rừng ngập mặn tăng lên thì cũng có khoảng 8.800 ha bị mất đi vì nhiều lý do khác nhau như biến đổi khí hậu, bão nhiệt đới, mở rộng công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1999 – 2022, diện tích chuyển đổi rừng ngập mặn thành ao nuôi tôm, cá chỉ giới hạn ở con số 750 ha, chiếm 0,3% tổng diện tích đất được rừng ngập mặn che phủ và chỉ 0,2% tổng diện tích ao nuôi thủy sản.

Tại Andhra Pradesh, diện tích nuôi tôm tăng nhanh chóng khiến 450 ha rừng ngập mặn bị chuyển đổi. Tuy nhiên, tổng diện tích rừng ngập mặn tại bang này tăng 33% từ 32.047 ha vào năm 1999 lên 42.493 ha vào năm 2022. Đây là kết quả của nỗ lực bảo tồn và trồng rừng tích cực của chính quyền bang. Khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới Sundarban thuộc địa phận bang West Bengal rộng tới 192.665 ha vẫn được bảo tồn tốt và không có sự phá hủy đáng kể mặc dù ngành nuôi tôm phát triển rầm rộ từ năm 1999 đến 2022. Tổng diện tích rừng ngập mặn tại West Bengal tăng nhẹ từ 189.555 ha lên 192.665 ha.

Tôm, rừng cùng phát triển

Ngành tôm quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ, trong khi rừng ngập mặn rất cần thiết cho việc bảo vệ bờ biển, đa dạng sinh học và hấp thụ carbon. Do đó, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố, cả ngành tôm và rừng ngập mặn phải tồn tại song song và cùng phát triển, bất chấp những thách thức thị trường mà ngành tôm có thể đối mặt.

Chính phủ Ấn Độ cho rằng, hỗ trợ các dự án trồng rừng và bảo tồn rừng ngập mặn chính là chiến lược nâng cao hình ảnh cho mặt hàng tôm và nhận thức của người tiêu dùng. Theo luật pháp Ấn Độ, các công ty nuôi tôm phải chi 3% lợi nhuận ròng trung bình trong 3 năm cho các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR). Do đó, một số dự án bảo tồn rừng ngập mặn sẽ là khởi đầu tốt cho một số nhà xuất khẩu tôm trong nước.

Thực tế, trong hơn 20 năm qua, ngành tôm Ấn Độ phát triển không ngừng, nhưng diện tích rừng ngập mặn vẫn tăng đáng kể 20.000 ha. Chính phủ Ấn Độ và các công ty xuất khẩu tôm đang tích cực truyền bá thông điệp “tôm, rừng cùng phát triển” tới các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trên toàn thế giới để bảo vệ ngành tôm trong nước, góp phần xóa bỏ cạnh tranh không công bằng bằng xu hướng lan truyền thông tin xuyên tạc và thiếu minh bạch.

Tuấn Minh (Tổng hợp)

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.