Nông dân Punjab, Ấn Độ – vùng đất biệt lập sâu trong lục địa, vẫn nuôi tôm thành công hơn thập kỷ qua, nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước sức cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.
Biến bất lợi thành lợi thế
Saroop Singh, 38 tuổi, làm nghề nuôi tôm từ năm 2017 tại làng Ratta Tibba, thuộc huyện Sri Muktsar Sahib, bang Punjab, Ấn Độ, cách thủ đô Delhi khoảng 400 km về phía Bắc. Với hơn 6 ha ao nuôi, mỗi năm Saroop Singh sản xuất khoảng 45 tấn tôm. Mặc dù bang Punjab không giáp biển nhưng có đến 350 hộ nuôi tôm, với tổng diện tích 526 ha cùng sản lượng 2.500 tấn mỗi năm.
Punjab có 526 ha diện tích nuôi tôm với cùng sản lượng 2.500 tấn/năm. Ảnh: Thefishsite
Singh giải thích, bang Punjab không có lợi thế giáp biển như các bang West Bengal, Andhra Pradesh và Odisha nhưng vẫn nuôi được tôm nhờ sở hữu nhiều khu vực chứa nước mặn. Nông dân nơi đây đã thử canh tác nhiều loại cây nhưng không có kết quả vì nước ngầm bị nhiễm mặn. Do đó, nghề nuôi tôm trở thành sinh kế cho người dân Punjab nhiều năm qua. Hoạt động nuôi tôm ở Punjab chủ yếu tập trung tại 5 huyện phía Tây Nam gồm Sri Muktsar Sahib, Fazilka, Mansa, Bathinda và Faridkot – những vùng đất trũng và có nguồn nước ngầm nhiễm mặn không phù hợp trồng trọt cây nông nghiệp.
Tiến sĩ Prabjeet Singh, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin nông nghiệp Krishi Vigyan Kendra (KVK), thuộc Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Ấn Độ, cho biết, bang Punjab có 151.000 ha đất trải dài khắp 5 huyện nhưng không phù hợp canh tác truyền thống. Do đó, chính quyền bang đã kết hợp với các viện nghiên cứu chăn nuôi và thú y (GADVASU) bắt đầu thử nghiệm nuôi tôm vào năm 2014 và 2016. Kết quả thành công ngoài mong đợi đã thúc đẩy chính quyền mở rộng mô hình và khuyến khích nông dân nuôi tôm thương mại; mục đích sau cùng là biến vùng đất nghèo trở thành nguồn sinh kế hiệu quả cho nông dân.
Theo tiến sĩ Singh, Cách mạnh xanh của chính phủ là một trong những lý do khiến độ mặn của nguồn nước ngầm tại một số huyện thuộc bang Punjab tăng cao. Trong những năm thập niên 1960, chính phủ Ấn Độ tập trung gia tăng sản lượng cây trồng, dẫn đến việc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học. Năm huyện nói trên nằm ở vùng trũng nên bị tích tụ muối nhưng người dân địa phương đã biến bất lợi thành lợi thế.
Saroop phấn khởi chia sẻ: “Nghề nuôi tôm mang lại thu nhập gấp nhiều lần trồng trọt. Chi phí nuôi tôm của chúng tôi hiện khoảng 230 Rs/kg (2,75 USD/kg) trong khi giá bán tôm gần gấp đôi vào năm 2022 nhờ đầu ra thuận lợi. Chúng tôi xuống giống vào tháng 4 và thu hoạch vào tháng 11 hàng năm. Cho đến nay, dịch bệnh chưa bùng phát ở đây”. Chính quyền bang Punjab đang trợ cấp 60% chi phí nuôi tôm cho các hộ mới, gồm trợ cấp đầu ao, con giống và thức ăn. Trong đó, con giống được nhập từ bang Andhra Pradesh ở phía Nam Ấn Độ.
Vượt thách thức
Tuy nuôi tôm thành công, nhưng nông dân đang phải vật lộn với nhiều vấn đề khiến họ muốn bỏ nghề. Rupinder Pal, 35 tuổi, một nông dân nuôi tôm ở làng Jandwala Charat cho biết: “Nuôi tôm có lãi nhưng chúng tôi rất cần cơ sở chế biến để không phải bán tôm nguyên liệu giá thấp ngay sau thu hoạch. Chúng tôi đang ấp ủ dự án xây dựng cơ sở chế biến nhưng cần sự hỗ trợ của chính quyền bang”.
Rajveer Singh, chủ một cơ sở nuôi và xuất khẩu tôm sang Mỹ, Trung Quốc cho biết, cạnh tranh gay gắt từ Ecuador đã ảnh hưởng nặng nề đến những hộ nuôi tôm tại Ấn Độ. Mỹ là thị trường chủ lực của tôm Ấn Độ nhưng thị phần đang bị đe dọa trước sức cạnh tranh gay gắt từ Ecuador có chi phí sản xuất rẻ hơn. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ tôm Ấn Độ trên thị trường quốc tế suy giảm, nông dân mất động lực sản xuất và phải bán tôm giá rẻ. Theo một báo cáo gần đây trên Shrimpinsight, khối lượng xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ giảm 12% từ tháng 9/2021 đến năm 2022, trong khi Ecuador tăng 11%. Dù vậy, Ấn Độ vẫn kỳ vọng doanh thu xuất khẩu tôm tăng 5% trong năm tài khóa hiện tại nhờ sức tiêu thụ mạnh từ thị trường Trung Quốc.
Tiến sĩ Meera D Ansal, Cao đẳng Thủy sản ở Punjab thừa nhận rằng người nuôi tôm ở Punjab đang cạn dần nhiệt huyết khi xuất khẩu tôm sang Mỹ gặp khó trước sức cạnh tranh gay gắt từ Ecuador. Năm 2021, sản lượng tôm của Ecuador đã vượt Ấn Độ, nhiều nông dân ở Punjab phải bán tôm dưới giá thành sản xuất do cung vượt cầu. Bà Meera lập luận rằng, sản lượng tôm hàng năm của Punjab không đủ để thành lập một đơn vị chế biến quy mô thương mại trong bang, nhưng có thể xây dựng các đơn vị chế biến quy mô nhỏ kiêm kho lưu trữ tôm theo hình thức PPP để hỗ trợ ngành này.
Bà nói thêm, Punjab cần một đơn vị tương tự Cơ quan Nuôi trồng thủy sản ven biển (CAA) để giám sát phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng nước mặn trong lục địa. Ngoài ra, cần khuyến khích nuôi tôm ở những vùng đất bị nhiễm mặn, thay vì những vùng đất nông nghiệp màu mỡ. Cùng đó, cần nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về giá trị dinh dưỡng của tôm để kích cầu nội địa, bù đắp tổn thất xuất khẩu.
Tuấn Minh (Theo Thefishsite)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn