Theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 326.170 tấn, đạt 50,03% so kế hoạch, tăng 1,56% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 205.300 tấn, tăng 0,64%, sản lượng khai thác đạt 120.870 tấn, tăng 3,16%.
Nuôi trồng thủy sản
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau trong 6 tháng đầu năm ước đạt 303.247 ha; trong đó diện tích nuôi tôm là 278.615 ha, cá nước ngọt 24.621 ha, nghêu 28 ha.
Cụ thể:
– Nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đạt đạt 6.658,36 ha/7.615 hộ đạt 97,92% kế hoạch năm 2024, tăng 4,35% so cùng kỳ. Trong đó: Nuôi tôm siêu thâm canh đạt 4.948,89 ha/5.060 hộ nuôi, đạt 95,17% kế hoạch năm 2024, tăng 7,29% so cùng kỳ. Đây là mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả khá cao, tỷ lệ nuôi thành công đạt khoảng 70 – 80%, năng suất 40 – 50 tấn/ha/vụ; nuôi tôm thâm canh 1.709,47 ha/2.555 hộ, đạt 106,8% kế hoạch năm 2024, bằng 95,5% so cùng kỳ, năng suất trung bình đạt 5 tấn/ha/năm (tôm sú) và 8 tấn/ha/năm (tôm chân trắng).
Ảnh minh họa
+ Nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 185.757,8 ha, đạt 99,34% kế hoạch năm 2024, tăng 3,33% so cùng kỳ. Hiện, đang thả nuôi 99,6% diện tích, năng suất nuôi trung bình 500 – 550 kg/ha/năm. Đặc biệt, có những hộ nuôi tôm theo quy trình 2 giai đoạn, năng suất 600 – 800 kg/ha/năm.
+ Diện tích nuôi tôm quảng canh kết hợp (tôm – rừng, tôm – lúa, tôm – cua – cá…) còn 86.198,84 ha. Hiện đang thả nuôi 98,5%, diện tích còn lại đang cải tạo chuẩn bị thả giống.
Diện tích nuôi tôm thâm canh bị bệnh 44,78 ha (trong đó đốm trắng 19,34 ha, hoại tử gan tụy 8,05 ha, bệnh khác 17,29 ha), tăng 24,77 ha so cùng kỳ; hỗ trợ hóa chất khử trùng xử lý dịch bệnh 11.724 kg/25,25 ha; nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh 17.410,5 ha (tăng 4.604,36 ha so cùng kỳ), mức độ thiệt hại từ 35 – 80% diện tích tôm nuôi bị bệnh; diện tích cua nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp bị bệnh 7.856 ha (giảm 1.550 ha so cùng kỳ), xảy ra rải rác ở các huyện, mức độ thiệt hại từ 20 – 60%.
– Nuôi cá nước ngọt 24.621 ha; trong đó: Diện tích nuôi cá chình, bống tượng 1.337,3 ha (cá chình 730 ha, cá bống tượng 607,3 ha); diện tích nuôi cá sặc rằn (cá bổi) thâm canh 143,3 ha/495 hộ nuôi.
– Nuôi nhuyễn thể: Nuôi hàu lồng 1.196 lồng với 1 hợp tác xã và 24 hộ nuôi, tổng diện tích nuôi 13.075 m2; nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm 9.181,76 ha; nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm 9.616,66 ha; nuôi vọp kết hợp trong vuông tôm 134 ha/47 hộ.
Khai thác thủy sản
Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đạt 120.870 tấn, đạt 51% so kế hoạch, tăng 3,16% so cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm 5.117 tấn, đạt 51,17% so kế hoạch, tăng 0,53% so cùng kỳ.
Thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 179 tàu cá. Đến nay, toàn tỉnh có 1.520/1.520 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 100%.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
– Triển khai, thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch và các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản.
– Thực hiện phát triển ngành tôm theo hướng tăng năng suất, sản lượng và bền vững; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, phát huy lợi thế tôm sinh thái, hữu cơ, tôm – lúa có chứng nhận, nâng cao giá trị gia tăng; xem phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến là giải pháp đột phá về sản lượng.
– Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo sản xuất một cách đồng bộ, đặc biệt công tác kiểm tra, hướng dẫn khắc phục điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, chú ý đến việc kiểm tra, hướng dẫn khắc phục về điều kiện môi trường, hướng dẫn xử lý chất thải, nước thải trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến, nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trực tuyến cho người dân tiếp cận, học tập, áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả.
– Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững; thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo về thị trường, giá cả.
– Hướng dẫn người dân áp dụng quy trình nuôi hiệu quả hiện nay: Quy trình nuôi theo Semi – Biofloc, quy trình nuôi ít thay nước, quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi kết hợp với các loại động vật có đặc tính ăn lọc, ăn mùn bã hữu cơ, quy trình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn cho cả loại hình nuôi tôm – lúa, tôm – rừng để nâng cao năng suất…
– Cập nhật thông tin ngư trường, thời tiết trên biển cung cấp cho ngư dân tạo điều kiện khuyến khích vươn khơi, bám biển… Tăng cường tổ đội, liên kết ngoài biển, gắn dịch vụ hậu cần, chuyển tải ngoài biển, để giảm chi phí, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm.
– Tiếp tục phối hợp với địa phương rà soát hiện trạng nuôi hải sản ven biển; vận động ngư dân về việc lập thủ tục đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản trước khi tàu cá ra hoạt động; đồng thời phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau; chứng nhận thủy sản khai thác vào thị trường EU cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Tiếp tục thực hiện việc cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VNFishbase; xác thực thông tin tàu cá trên hệ thống giám sát hành trình của Cục Thủy sản và thực hiện việc số hóa hồ sơ đối với các trường hợp tàu cá trễ hạn giấy phép khai thác thuỷ sản, tàu nằm bờ…
Vân Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn